Multimedia Đọc Báo in

Cải cách thủ tục hành chính: Cần lắm những giải pháp quyết liệt, cụ thể

16:41, 05/01/2015
Một nữ doanh nhân thành đạt từng có lần tâm sự: với chị và nhiều nữ doanh nhân khác, khó khăn lớn nhất trong kinh doanh không phải là vốn hay nhân sự mà là ... thủ tục hành chính. Trong quá trình đầu tư xây dựng một khu du lịch sinh thái ở vùng ven TP. Buôn Ma Thuột, chị đã từng rơi vào trạng thái nản lòng, thậm chí suýt bỏ cuộc vì bị... hành là chính với các loại thủ tục rườm rà. Chị bảo rằng chính chị cũng không hiểu vì sao dự án của chị được lãnh đạo địa phương ủng hộ về chủ trương mà vẫn gặp nhiều khó khăn từ phía các sở ngành đến thế...

Thực ra nỗi trăn trở của nữ doanh nhân ấy cũng là mối bận tâm của nhiều vị lãnh đạo chủ chốt. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 30 diễn ra hồi đầu tháng 10-2014, một vị lãnh đạo tỉnh đã tỏ ra khá gay gắt khi đề cập đến vấn đề cải cách thủ tục hành chính, nhất là trong việc thu hút đầu tư. Ông kể ra một vài cơ hội từ một số nhà đầu tư có thể mang lại những lợi ích lớn về mặt kinh tế-xã hội của tỉnh, góp phần giải quyết hàng nghìn việc làm cho lao động địa phương song lại có nguy cơ bị “vuột” mất do nhà đầu tư nản lòng trước nhiều thủ tục rườm rà, sự hạch sách nhũng nhiễu khiến mất nhiều năm mà dự án vẫn chưa thể triển khai. Vị lãnh đạo này cho rằng, mời gọi nhà đầu tư nhưng trong quá trình triển khai lại gây khó dễ chính là “bước cản lớn” trong thu hút đầu tư của tỉnh, vì vậy cải thiện môi trường đầu tư trước tiên cần phải cải cách thủ tục hành chính trong đầu tư.

Cải cách thủ tục hành chính cũng là một nội dung “nóng” được các đại biểu đề cập tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII vừa qua. Ý kiến của đa số các đại biểu đều cho rằng những tồn tại, hạn chế về thủ tục hành chính lâu nay vẫn là một trong những nguyên nhân chính thu hút đầu tư kém. Vấn đề ở chỗ là lâu nay lãnh đạo nào, ban ngành nào cũng biết điều đó, cuộc họp nào cũng đề cập đến nguyên nhân này song tại sao tỉnh vẫn chưa có giải pháp quyết liệt nào để cải thiện tình trạng này? Có đại biểu đề nghị: không thể giải quyết dứt điểm nếu cứ nêu lý do chung chung, trách nhiệm chung chung như lâu nay mà cần phải rà soát lại từng dự án đầu tư đang bị “tắc” để xem “tắc” ở khâu nào, vì sao lại “tắc”, để xảy ra như vậy là trách nhiệm của ngành nào, của cá nhân nào. Có đại biểu thẳng thắn đặt vấn đề: cần phải xem xét về năng lực của cán bộ trong thực hiện thủ tục hành chính, thậm chí phải xem có hiện tượng cán bộ, công chức “ngồi nhầm” vị trí, gây ảnh hưởng đến công việc quản lý Nhà nước?

Trong cuộc họp trực tuyến với các địa phương để triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2015 hôm 29-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh: “Kinh tế là trung tâm, nhiệm vụ của chính quyền là tạo mọi thuận lợi, khắc phục, tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để doanh nghiệp làm ăn, nhân dân làm ăn; có như thế kinh tế mới phát triển và tăng trưởng được. Phải coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp bằng hành động và việc làm cụ thể, tập trung vào những lĩnh vực mà nhân dân đang khó khăn, vướng mắc”. Với quan điểm như vậy, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan đã chấp hành tốt sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để “xông” vào cải cách và năm vừa qua đã đạt được tiến bộ rất lớn: “Bộ Tài chính chỉ ban hành 1 thông tư, sửa 7 thông tư đã giảm được 200 giờ nộp thuế một năm của một doanh nghiệp. Những cái như vậy, tất cả Bộ, ngành, địa phương phải rà soát: thủ tục nào vướng mắc gây khó khăn, phiền hà và trong thẩm quyền của mình thì mình phải trực tiếp xử lý, thấy vướng mắc thuộc cấp trên thì phải kiến nghị xử lý”.

Cải cách quy trình thủ tục đầu tư theo hướng nhanh chóng, thuận lợi hơn là mong mỏi của không chỉ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp mà cả các địa phương trong tỉnh. Thiết nghĩ, để cải thiện lĩnh vực này rất cần có sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ, sự phối hợp chặt chẽ của các cấp ngành, địa phương và có lẽ, như ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh, đã đến lúc không chỉ nêu nguyên nhân chung chung, giải pháp chung chung, trách nhiệm chung chung mà cần phải chỉ ra cụ thể vướng mắc, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, cá nhân để có giải pháp tháo gỡ.

Hồng Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.