Multimedia Đọc Báo in

Phải đặt du lịch trong mục tiêu phát triển bền vững

07:07, 22/05/2016

Đến nay đã có ít nhất 9 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch (chủ yếu là tại các khu, điểm du lịch văn hóa - sinh thái) trên địa bàn Đắk Lắk có khả năng bị thu hồi chủ trương đầu tư do tiến độ triển khai thực hiện không bảo đảm.

Việc các sở, ngành liên quan tham mưu, đề xuất UBND tỉnh ra “tối hậu thư” nhắc nhở, đôn đốc các chủ dự án thực hiện đúng cam kết nhằm tránh tình trạng lãng phí tài nguyên đất, rừng và sự xáo trộn không cần thiết trong đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân trong vùng dự án là động thái tích cực và kịp thời.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu từ phía các nhà đầu tư thì được biết, ngoài những nguyên nhân như năng lực tài chính có hạn, những khó khăn nảy sinh từ đời sống thực tế của địa phương (như nạn phá rừng, tranh chấp tài nguyên… làm ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường nói chung) thì vấn đề quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch và đặc biệt là tình trạng quy hoạch, xây dựng dự án phát triển kinh tế-xã hội theo kiểu “đánh đổi lợi ích” ở Đắk Lắk đang là “lực cản” khiến nhà đầu tư nản lòng và buông bỏ. 

Sông Sêrêpôk kiệt nước do hệ lụy từ thủy điện khiến hoạt động du lịch trên địa bàn Buôn Đôn gặp khó khăn.
Sông Sêrêpôk kiệt nước do hệ lụy từ thủy điện khiến hoạt động du lịch trên địa bàn Buôn Đôn gặp khó khăn.

Nhiều ý kiến cho rằng, hoạt động du lịch tất nhiên không thể đứng riêng lẻ, nó liên quan và gắn kết với các lĩnh vực khác như an ninh - xã hội, văn hóa - lịch sử, cảnh quan, môi trường… nên rất cần có sự phân định rõ ràng và phối hợp chặt chẽ. Ví như việc đầu tư xây dựng một điểm du lịch nào đó, vấn đề đất đai, tài nguyên nói chung là quyền sở hữu của Nhà nước thì các sở, ngành liên quan có chức năng kiểm tra, giám sát… còn việc hoạch định chiến lược kinh doanh cũng như thiết kế, xây dựng sản phẩm du lịch thì nên để cho doanh nghiệp tự quyết. Theo một số nhà đầu tư, hiện đang có tình trạng các cơ quan quản lý nhà nước “với tay quá dài” khiến hoạt động đầu tư, xây dựng một số cụm, điểm du lịch gặp khó khăn. Đáng nói hơn là trong việc quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội nói chung của địa phương đã bộc lộ những bất cập, hạn chế như chồng chéo, thiếu đồng bộ và chưa hướng tới sự công bằng lợi ích giữa các ngành nghề với nhau cũng là nguyên nhân kìm hãm bước phát triển của ngành “công nghiệp không khói” ở địa phương. Ông Nguyễn Trụ - Khu du lịch Thanh Hà (Buôn Đôn) phản ánh: Ngoài yếu tố quản lý Nhà nước về du lịch còn nhiều ràng buộc phức tạp, thì vấn đề suy giảm nguồn nước trên dòng Sêrêpôk do hệ lụy từ các công trình thủy điện đã khiến một số hạng mục, sản phẩm du lịch có lợi thế ở đây phải tạm dừng. Theo đó, du khách đến với Thanh Hà từ năm 2014 đến nay có xu hướng ít dần, doanh thu của doanh nghiệp này cũng giảm gần một nửa so với trước. Tương tự, những cụm - điểm du lịch khác như Dray Nur, thác Gia Long (huyện Krông Ana) của doanh nghiệp Đặng Lê, hay Trung tâm Du lịch văn hóa-sinh thái Buôn Đôn - Công ty TNHH MTV 2- 9 cũng đang đứng trước sự chọn lựa đầy khó khăn trong chiến lược kinh doanh, mở rộng quy mô phát triển… Ông Nguyễn Đức - Trung tâm Du lịch văn hóa - sinh thái Buôn Đôn cho rằng, nguồn tài nguyên nước đã bị các công trình thủy điện lấy đi đáng kể làm cho hoạt động du lịch trong vùng ngày càng “teo tóp” lại. Đặc biệt, Buôn Đôn vừa được UBND tỉnh và Tổng cục Du lịch quy hoạch xây dựng thành một trong bốn khu du lịch trọng điểm của Tây Nguyên, nhưng với tình trạng kiệt nước sông Sêrêpôk (đoạn chảy qua địa bàn huyện Buôn Đôn) như hiện nay thì không biết dự án trên có mang lại hiệu quả như mong đợi hay không (?) Lúc đó nhà đầu tư chắc chắn sẽ đắn đo, toan tính lợi ích đặt ra giữa các bên, thậm chí ngần ngại và không dám đổ tiền của vào đây.

Rõ ràng tình trạng suy giảm nguồn nước, mất cân bằng sinh thái và sự không công bằng trong việc phân chia nguồn lợi kinh tế trên các lưu vực sông trên địa bàn Đắk Lắk giữa các ngành, các đơn vị quản lý và khai thác đang là một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất. Theo ông Trần Đức Cường, Phó Tổng thư ký Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam, thì hiện nay việc quy hoạch, khai thác và phát triển tài nguyên nước trên lưu vực sông Sêrêpôk nói riêng và toàn vùng Tây Nguyên nói chung vẫn tỏ ra hết sức manh mún cả trên bình diện quốc gia đến tỉnh, huyện và giữa các ngành nghề. Còn nhớ, tại Hội nghị tham vấn nhằm xây dựng Chương trình điều phối lợi ích của các lưu vực sông trên địa bàn Tây Nguyên được tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột vào giữa năm 2011, ông Cường đã đánh giá: Tính điều phối lợi ích từ các lưu vực sông ở đây còn rất hạn chế. Mỗi ngành nghề, lĩnh vực ở từng địa phương chỉ quan tâm quy hoạch, khai thác và phát triển tài nguyên nước theo lợi ích của mình. Ví như phát triển thủy điện thì nhất thiết sẽ ảnh hưởng đến nông nghiệp, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và đặc biệt là du lịch… Nếu những yếu tố này không được quan tâm, xem xét một cách thấu đáo sẽ dẫn đến nhiều mâu thuẫn trong tương lai, không những giữa các lĩnh vực, ngành nghề với nhau, mà cả trên bình diện khu vực và quốc gia.

Du lịch Đắk Lắk đang bước vào giai đoạn tăng tốc với lộ trình được Ban chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh xác định: Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và là một trong những động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội của tỉnh vào năm 2020 và định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn vào năm 2030. Theo đó, các chỉ tiêu cũng được đặt ra: năm 2015, phấn đấu thu hút khoảng 560.000 lượt khách; năm 2020: trên 1,1 triệu lượt khách và đến năm 2030, con số này là 2,8-3 triệu lượt khách. Doanh thu từ du lịch cũng sẽ tăng dần qua các năm: 2015 đạt 420 tỷ đồng, năm 2020  khoảng 1.300 tỷ đồng. Theo nhận định của các cơ quan chức năng, những mục tiêu này hoàn toàn có thể chạm đích, bởi trên thực tế cho thấy từ năm 2014-2015, lượng khách đến Đắk Lắk đã vượt qua con số hơn nửa triệu lượt người và doanh thu toàn ngành du lịch cũng ở mức 400-420 tỷ đồng. Qua đó cho thấy, tiềm năng du lịch của tỉnh là rất lớn, vấn đề quan trọng là biến tiềm năng đó thành hiện thực bằng cách nào. Có thể nói việc kêu gọi, thu hút đầu tư vào du lịch đang được tỉnh xúc tiến, quảng bá mạnh mẽ với nhiều cơ chế, chủ trương ưu đãi. Trong đó đáng chú ý là UBND tỉnh đã có quyết định nâng mức đầu tư cho ngành du lịch lên 5% trên tổng GDP hằng năm; tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư từ nguồn lực bên ngoài; xây dựng và thông qua “Đề án phát triển du lịch giai đoạn 2012-2015 và tầm nhìn đến năm 2020”. Tuy nhiên, những nỗ lực đó sẽ không mang lại hiệu quả như mong đợi nếu như vấn đề quản lý nhà nước liên quan đến du lịch chậm được cải thiện và nhất là công tác quy hoạch các ngành nghề, lĩnh vực nói chung, trong đó có du lịch nhằm phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương không được xem xét, giải quyết một cách đồng bộ, thấu đáo và chiến lược theo xu hướng bảo đảm lợi ích hài hòa và bền vững hơn.             

Phương Đình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.