Mở rộng tấm lòng nhân ái cùng chia sẻ nỗi đau da cam
Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm nhưng những nạn nhân bị phơi nhiễm chất độc da cam vẫn đang từng ngày, từng giờ phải đối diện với nỗi đau về thể xác và tinh thần. Nhân dịp kỷ niệm 55 năm thảm họa da cam Việt Nam (10-8-1961 – 10-8-2016), phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông NGÔ SONG HÀO, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin (NNCĐDC) tỉnh xung quanh vấn đề này.
Ông Ngô Song Hào, Chủ tịch Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh Đắk Lắk |
* Ông có thể cho biết thực trạng đời sống hiện nay của các đối tượng bị phơi nhiễm chất độc da cam/Dioxin trên địa bàn tỉnh?
Theo số liệu điều tra, thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hiện có 5.625 người bị phơi nhiễm chất độc da cam, trong đó có 3.726 người hoạt động kháng chiến, 984 dân thường, 235 người thuộc thế hệ thứ 3… Chất độc da cam đã để lại di chứng nặng nề bởi nhiều đối tượng bị phơi phiễm đã mắc các bệnh nan y, con cháu của họ bị dị tật, dị dạng. Nhìn chung, đời sống của các đối tượng bị nhiễm chất độc da cam rất khó khăn, nhất là những gia đình có từ 2 nạn nhân trở lên. Qua khảo sát có khoảng 70% số hộ khó khăn về kinh tế, 30% hộ khó khăn về nhà ở.
* Trên thực tế, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với NNCĐDC còn nhiều khó khăn, bất cập. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?
Đến nay, toàn tỉnh chỉ mới chỉ có 1.589 đối tượng được thụ hưởng các chế độ, chính sách của Nhà nước, 2.742 người chưa được hưởng chế độ, 1.268 hồ sơ tồn đọng. Tuy các văn bản hướng dẫn giải quyết chế độ, chính sách cho NNCĐDC đã ban hành nhưng trong quá trình triển khai thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc ở khâu lập hồ sơ. Nhiều trường hợp không còn lưu giữ được một trong những giấy tờ gốc theo quy định tại Nghị định số 31/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 05/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội. Công tác giải mã phiên hiệu đơn vị quân đội, xác định địa danh hoạt động kháng chiến còn nhiều khó khăn và chưa được công bố đầy đủ.
Ba đứa con tàn tật, ngây ngô, điên dại là ba nỗi đau không nói thành lời của gia đình chị Phạm Thị Vinh (thôn Ea Đing, xã Ea Tân, huyện Krông Năng) |
Hơn nữa, theo quy định những trường hợp bị dị dạng, dị tật và bị bệnh nặng như liệt tứ chi, liệt toàn thân, tâm thần cũng phải đưa đi giám định y khoa cấp tỉnh 2 lần đã gây nhiều khó khăn, tốn kém chi phí và không bảo đảm an toàn, nhất là những người ở vùng sâu, vùng xa. Do vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng, Hội NNCĐDC/Dioxin các cấp mong muốn Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế xem xét lại quy định về thủ tục hồ sơ, bản tóm tắt bệnh án đối với những trường hợp bị dị dạng, dị tật bẩm sinh; đề nghị miễn giám định y khoa đối với những trường hợp bị bệnh đặc biệt nặng, bệnh hiểm nghèo.
* Để góp phần chia sẻ nỗi đau da cam, từng bước nâng cao đời sống của các nạn nhân, thời gian tới, chúng ta cần tập trung vào những hoạt động gì, thưa ông?
Ngày 28-5-2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 43 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam”. Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng ban hành công văn về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 43 của Ban Bí thư. Qua đó đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, các cấp, ngành, địa phương đối với công tác khắc phục hậu quả chất độc da cam.
Cán bộ Hội NNCĐDC/Dioxin tỉnh thăm gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Báu (thôn 3A, xã Ea Kly, huyện Krông Pắc) trong căn nhà Tình nghĩa |
Để chia sẻ nỗi đau, góp phần nâng cao đời sống của các gia đình nạn nhân chất độc da cam, theo tôi, các sở, ngành, đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, rà soát, giải quyết, thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách đối với NNCĐDC. Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài nâng cao hiểu biết về thảm họa da cam do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; tổ chức các phong trào, hoạt động thiết thực nhằm giúp đỡ NNCĐDC từng bước cải thiện đời sống vật chất, tinh thần và ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý cho NNCĐDC.
Một vấn đề mà các cấp Hội NNCĐDC/Dioxin trong tỉnh đang trăn trở là nguồn lực chăm lo các đối tượng hiện rất eo hẹp. Đơn cử trong năm 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh chỉ vận động được gần 570 triệu đồng quỹ NNCĐDC (đạt 35% kế hoạch), trong khi đó số nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn còn rất nhiều. Vì vậy, tôi mong muốn các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân hảo tâm mở rộng tấm lòng nhân ái, ủng hộ, đóng góp nhiều hơn nữa cho quỹ NNCĐDC các cấp để có thêm nguồn lực chăm lo, hỗ trợ các gia đình nạn nhân về nhà ở, vốn phát triển sản xuất, thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ đột xuất lúc ốm đau, hoạn nạn, giúp họ vươn lên ổn định cuộc sống.
*Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Xuân (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc