Multimedia Đọc Báo in

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017 - Cơ hội cho thu hút đầu tư

08:42, 24/01/2017
Đầu tháng 3 tới, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017 sẽ diễn ra. Với việc đưa ra chủ đề là "Hội tụ tinh hoa - Phát huy bản sắc - Liên kết phát triển" cho thấy tỉnh đã xác định đây không chỉ là một lễ hội văn hóa đơn thuần.
 
Cơ hội "vàng" thu hút đầu tư
 
Qua 5 kỳ tổ chức đã cho thấy Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đang ngày càng tạo sức hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Bởi khi đến với lễ hội không chỉ đến với nơi được xem là thủ phủ cà phê của cả nước, mà Đắk Lắk còn có nhiều cảnh sắc và mang trong mình những giá trị văn hóa không nơi nào có được. Và trong xu thế du lịch kết hợp với tìm kiếm cơ hội đầu tư như hiện nay, lễ hội lại càng tạo thêm sức hút đối với cả du khách lẫn nhà đầu tư.  
Du khách quốc tế tìm hiểu sản phẩm cà phê tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 5
Du khách quốc tế tìm hiểu sản phẩm cà phê tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 5
Bởi như chương trình dự kiến, bên cạnh các hoạt động lễ hội mang đậm bản sắc Tây Nguyên như Lễ hội voi và thuyền độc mộc; diễn tấu cồng chiêng; phục dựng các nghi thức, nghi lễ của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với diễn tấu cồng chiêng; Hội thi tạc tượng gỗ các dân tộc Tây Nguyên..., còn diễn ra hàng loạt hoạt động xúc tiến thương mại - đầu tư như Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành cà phê, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Khu vực Tây Nguyên năm 2017; Hội thảo “Phát triển ngành hàng cà phê Việt Nam thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập”...  sẽ là những nội dung đáng quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp (DN) quảng bá sản phẩm, gặp gỡ các đối tác để tìm hiểu thị trường, trao đổi, hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ… 
 
Như Tổng giám đốc chuỗi khách sạn Mường Thanh Lê Thị Hoàng Yến chia sẻ, một trong những nguyên nhân quan trọng để Tập đoàn Mường Thanh gấp rút đưa vào hoạt động Khách sạn Mường Thanh Luxury Buôn Ma Thuột là để đón đầu phục vụ cho lễ hội lần này, nhất là đối tượng khách hàng doanh nhân. Bởi Tập đoàn Mường Thanh dự báo sẽ có hàng trăm DN trong và ngoài nước sẽ đến tìm kiếm cơ hội trong lễ hội lần này.
 
Phải biết tận dụng cơ hội
 
Rõ ràng lễ hội đã và đang được các doanh nghiệp xem là cơ hội trực tiếp để quảng bá hình ảnh và sản phẩm của mình, đồng thời tăng cường kết nối mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư. Thế nên địa phương cũng phải tận dụng tốt dịp này để giới thiệu với doanh nghiệp những thông tin cập nhật nhất về môi trường kinh doanh cũng như tiềm năng hợp tác thương mại đầu tư đang rộng mở tại đây. 
 
Phát biểu tại một hội nghị mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hải Ninh - Trưởng ban Tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 6 và Liên hoan Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 2017 cho biết, lễ hội lần này đã được chuẩn bị hết sức chu đáo. Đặc biệt, với nhận thức tận dụng lễ hội để đẩy mạnh thu hút đầu tư, tỉnh đã có sẵn danh mục ưu tiên đầu tư và chuẩn bị các tài liệu cần thiết để nhà đầu tư tiếp cận. Bên cạnh các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như cà phê, hồ tiêu, cao su… tỉnh sẽ đặc biệt chú trọng thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có tiềm năng lớn như nông nghiệp công nghệ cao, năng lượng tái tạo, du lịch, thương mại - dịch vụ... 
 
Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để thông qua lễ hội lần này biến cơ hội, tiềm năng thành hiện thực. Phải nhìn nhận một thực tế đã thay đổi là hiện nay địa phương nào muốn thu hút đầu tư thì phải chủ động tìm kiếm, tiếp cận và phải có các phương án tiếp thị tiềm năng của mình đến các nhà đầu tư. Vì vậy, bên cạnh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN đến làm ăn trên địa bàn, cần thiết phải tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch thông qua việc xây dựng các chương trình xúc tiến phù hợp với nhu cầu của DN.
 
Giang Nam

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.