Multimedia Đọc Báo in

Cần thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây sầu riêng

21:22, 20/02/2017

Hiện nay, cây sầu riêng tại địa bàn huyện Krông Pắc có hiện tượng bệnh thối thân, cành chết ngược với tỷ lệ hại khoảng 70-80%, diện tích nhiễm khoảng 472 ha, tập trung chủ yếu trên diện tích trồng xen trong vườn cây cà phê thuộc Công ty TNHH MTV Cà phê-Ca cao tháng 10 và Công ty TNHH MTV Cà phê Phước An quản lý.

Theo nhận định sơ bộ của cơ quan chuyên môn và các nhà khoa học, có thể nguyên nhân gây bệnh là do nấm Phytophthora gây ra, tuy nhiên để xác định nguyên nhân gây bệnh vẫn cần các kết quả phân tích mẫu bệnh từ Học Viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên.
 
ảnh
Vườn sầu riêng bị nhiễm bệnh trên địa bàn huyện Krông Pắc (ảnh: Dung Nguyễn)
 
Để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát lây lan trên diện rộng và hạn chế thiệt hại, Sở NN-PTNT hướng dẫn các biện pháp tạm thời phòng trừ sâu bệnh hại trên cây sầu riêng. Cụ thể, đối với những vùng chưa bị bệnh, thực hiện các biện pháp canh tác tổng hợp như: chọn giống năng suất cao, ổn định, ít nhiễm bệnh; chỉ sử dụng chồi, mắt ghép từ những cây không bị bệnh để nhân giống, nguồn đất làm bầu lấy từ vườn cây không bị bệnh, phơi hoặc sấy khô, trộn với phân chuồng hoai mục và chế phẩm sinh học có chứa vi sinh vật hữu ích như nấm đối kháng trichoderma…; chọn đất trồng có khả năng thoát nước tốt trong mùa mưa; thường xuyên thăm, vệ sinh đồng ruộng và dụng cụ làm vườn, hạn chế di chuyển từ những vườn bị bệnh sang vườn chưa bị bệnh; tăng cường phân bón hữu cơ, tránh tạo vết thương trong quá trình chăn sóc vườn cây… Ngoài ra, cần sử dụng các biện pháp sinh học và hóa học để phòng bệnh cho vườn cây.
 
Đối với những vùng đã bị bệnh, với những cây bị nhiễm nhẹ - trung bình thì tiến hành thu gom tàn dư cây bệnh, rong tỉa cành thông thoáng (cành bị sâu bệnh và cành không có quả), không để độ ẩm trong vườn cao, đặc biệt là trong mùa mưa; hạn chế tưới nước, bón phân hóa học, phân bón lá và các loại chất kích thích ra hoa đậu quả; không sử dụng biện pháp tiêm Phosphonate; xử lý các vết thâm đen trên thân hoặc cành lớn bằng cách cạo bỏ phần vỏ bên ngoài, sau đó quét thuốc có hoạt chất Metalaxyl lên phần mô bệnh. Các đầu cành bị khô, chết ngọn xử lý bằng cách cưa bỏ sau đó bôi keo liền sẹo vào các vết cắt; sử dụng các loại thuốc hóa học có hoạt chất như: Metalaxyl, Mancozeb, Phosphonate…để xử lý nguồn nấm bệnh trên lá. Đối với những vườn cây bị nhiễm nặng, tiến hành cưa bỏ, tiêu hủy cây bị bệnh hoặc chết, nhổ bỏ rễ trong vườn, vệ sinh đồng ruộng, xử lý hố bằng vôi để tiêu diệt nguồn bệnh…
 
Minh Thuận
 
 
 

Ý kiến bạn đọc