Tăng cường công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp
Để xây dựng môi trường làm việc an toàn, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và của do tai nạn lao động gây ra, từ năm 2017, Chính phủ đã quyết định lấy tháng 5 hằng năm là Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ). Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông PHAN TRỌNG TÙNG, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng ATVSLĐ tỉnh chung quanh vấn đề này.
Ông Phan Trọng Tùng, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng ATVSLĐ tỉnh |
* Ông có thể khái quát tình hình thực hiện công tác ATVSLĐ trên địa bàn tỉnh thời gian qua?
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh đã quan tâm thực hiện công tác tuyên truyền, huấn luyện, tư vấn ATVSLĐ, từng bước hình thành phong trào thi đua bảo đảm ATVSLĐ, xây dựng văn hóa an toàn trong lao động. Vì vậy, tần suất tai nạn lao động chết người trong một số lĩnh vực có nguy cơ cao (khai thác khoáng sản, xây dựng, sử dụng điện...), tỷ lệ người mắc mới bệnh nghề nghiệp hằng năm có xu hướng giảm, sức khoẻ của người lao động nhìn chung được bảo đảm, góp phần bảo vệ nguồn nhân lực, thúc đẩy phát triển sản xuất, ổn định xã hội.
Tuy vậy vẫn còn một số tồn tại: việc tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ của nhiều doanh nghiệp chưa nghiêm, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ; số lượng lao động được huấn luyện về ATVSLĐ đạt thấp, vẫn còn tai nạn lao động chết người. Công tác thanh tra, kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên; nhiều doanh nghiệp chỉ thực hiện các quy định theo kiểu hình thức nhằm đối phó sự thanh, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước; việc đo, kiểm tra định kỳ các yếu tố có hại trong môi trường lao động và tổ chức quản lý sức khỏe người lao động còn rất hạn chế…
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác ATVSLĐ - PCCN tại một doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh |
* Sau 18 năm tổ chức Tuần lễ quốc gia về ATVSLĐ – phòng chống cháy nổ (PCCN), ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của Tuần lễ này đối với việc nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động, cán bộ quản lý, công nhân viên chức lao động và cộng đồng?
Từ năm 1999 đến năm 2016 đã có 18 Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ - PCCN được tổ chức với sự quan tâm và hưởng ứng rất tích cực, đồng bộ của các ngành, địa phương, doanh nghiệp trong toàn tỉnh. Qua đó, nhận thức của các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể, người lao động về công tác ATVSLĐ - PCCN đã có những chuyển biến rõ rệt. Nhiều chính sách, văn bản quan trọng của trung ương, của tỉnh đã được ban hành nhằm tăng cường công tác ATVSLĐ-PCCN.
Thông qua việc tổ chức Tuần lễ, các ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, Y tế, Công an, Liên đoàn Lao động, Công Thương, Xây dựng… ngày càng phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo, triển khai thực hiện, góp phần tạo chuyển biến đáng kể cho công tác ATVSLĐ - PCCN. Ý thức của người sử dụng lao động và người lao động trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ATVSLĐ được nâng lên. Người sử dụng lao động đã chủ động, tích cực hơn trong việc xây dựng, kiện toàn bộ máy nhân sự làm công tác ATVSLĐ; quan tâm đầu tư kinh phí, trang thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để cải thiện điều kiện lao động; thực hiện tự kiểm tra nhằm phát hiện các nguy cơ, rủi ro mất an toàn lao động. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã phát động phong trào, sáng kiến cải thiện điều kiện lao động…
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thăm hỏi, tặng quà người lao động bị tai nạn lao động trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột |
* Thưa ông, từ năm 2017 Chính phủ đã quyết định lấy tháng 5 hằng năm là Tháng hành động về ATVSLĐ. Vậy, Tháng hành động năm nay sẽ tập trung vào những hoạt động chính gì?
Từ năm 2017, Chính phủ quyết định lấy tháng 5 hằng năm là Thánh hành động về ATVSLĐ nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ, thực thi có hiệu quả Luật ATVSLĐ và các văn bản hướng dẫn thi hành. Qua đó đẩy mạnh thực hiện công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh; cải thiện điều kiện làm việc, chăm sóc sức khỏe người lao động; chủ động phòng ngừa, giảm ô nhiễm môi trường lao động, hạn chế tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”, Tháng hành động năm nay sẽ tập trung vào những hoạt động chính sau: đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về ATVSLĐ; tổ chức tọa đàm, hội thi, đối thoại chính sách, hội nghị, hội thảo chuyên đề nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác đào tạo, huấn luyện về ATVSLĐ; xây dựng các tài liệu, hướng dẫn huấn luyện ATVSLĐ phù hợp với từng nhóm đối tượng; hướng dẫn cụ thể về các quy trình, kỹ năng làm việc an toàn cho người lao động. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong việc tổ chức huấn luyện ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động; xây dựng hệ thống quản lý ATVSLĐ; tổ chức khám sức khỏe, khám bệnh nghề nghiệp; thăm hỏi, động viên các nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra theo chuyên ngành hoặc liên ngành về ATVSLĐ…
* Trân trọng cảm ơn ông!
Nguyễn Xuân (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc