Multimedia Đọc Báo in

Không nên đi ngược quy luật thị trường

09:57, 30/05/2017
Thời gian gần đây, vấn đề nên hay không tăng thuế bảo vệ môi trường với mặt hàng xăng dầu được dư luận quan tâm. 
 
Tại Hội thảo thị trường xăng dầu và vấn đề phát triển thể chế mới đây, một lãnh đạo Hiệp hội xăng dầu Việt Nam cho rằng, ông rất ủng hộ việc tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng/lít, bởi sắp tới theo lộ trình gia nhập WTO thuế nhập khẩu mặt hàng xăng dầu sẽ bằng 0%, vì vậy phải tăng các loại thuế khác để bù vào, bảo đảm thu ngân sách Nhà nước.
 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Đồng ý là việc đóng góp vào ngân sách Nhà nước là trách nhiệm của mỗi công dân, nhưng đóng góp theo kiểu mà vị Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu nói như trên lại là vấn đề hoàn toàn khác. Để kinh tế đất nước phát triển, doanh nghiệp (DN) phải phát triển. DN muốn phát triển, chi phí đầu vào phải được tiết giảm tối đa. Rất nhiều DN, ngành nghề tại nước ta có chi phí đầu vào là xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn. Hơn nữa, mặt hàng xăng dầu lâu nay luôn có tính nhạy cảm, ảnh hưởng toàn diện đến thị trường hàng hóa nói chung. Bằng chứng là mỗi khi có thông tin tăng giá xăng dầu, hàng loạt mặt hàng khác cũng tăng giá theo khiến chi phí đầu vào của DN lại một lần nữa tăng thêm. Thế nên trong khi DN, người dân kỳ vọng việc gia nhập WTO là để những mặt hàng có ý nghĩa quyết định năng lực cạnh tranh của mình (ở đây là xăng dầu) ngang bằng với khu vực và thế giới thì ông Phan Thế Ruệ lại vin vào cái cớ thuế nhập khẩu bằng 0% để đề xuất tăng thuế nội địa. 
 
Phải nói ngay rằng, kinh tế đất nước không thể phát triển bền vững khi mà ngân sách Nhà nước trông chờ vào các khoản thuế như thuế bảo vệ môi trường nói trên. Ngân sách Nhà nước sẽ thu được nhiều và bền vững khi DN và người dân sản xuất kinh doanh hiệu quả, có sức cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường. Vì vậy, đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu để bù thu ngân sách Nhà nước là không ổn, lại càng không hợp lý với lý do là vì lộ trình áp thuế nhập khẩu khi gia nhập WTO. 
 
Trước đây, mỗi lần điều chỉnh giá, ngành xăng dầu và các cơ quan điều hành cho là do sự lên xuống của thị trường thế giới. Vậy nên, với đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường như hiện nay, dường như họ không chỉ đang đi ngược với quy luật thị trường mà còn đi ngược với chính đường lối điều hành của chính họ trong thời gian qua. Điều quan trọng nhất là phải bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người tiêu dùng và DN.
 
Giang Nam

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.