Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường trách nhiệm phòng chống xâm hại trẻ em

21:37, 01/06/2017

Thời gian qua, trên cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng liên tục xảy ra các vụ xâm hại trẻ em với mức độ ngày càng nghiêm trọng, phức tạp. Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 với chủ đề “Triển khai Luật Trẻ em và phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với bà TÔ THỊ TÂM, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xung quanh vấn đề này.

21
Bà Tô Thị Tâm, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó tại Lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2017.

* Những năm gần đây, số trẻ em bị xâm hại tình dục ngày càng gia tăng. Bà đánh giá như thế nào về thực trạng này trên địa bàn tỉnh?

Thời gian gần đây, tại nhiều địa phương trên cả nước đã liên tục xảy ra các vụ xâm hại tình dục trẻ em. Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, trung bình mỗi năm cả nước có hơn 1.200 em trẻ em bị xâm hại, cứ 8 giờ trôi qua lại có một trẻ em bị xâm hại.

Riêng tỉnh Đắk Lắk trong 3 năm (2014-2016) có 129 em bị xâm hại tình dục. Xâm hại trẻ em đã ở mức báo động. Đáng chú ý là tình trạng bố đẻ hiếp dâm con gái nhiều lần, bố dượng hiếp dâm con gái riêng của vợ, anh trai hiếp dâm em gái hay tình trạng hiếp dâm tập thể, hiếp dâm trẻ em dưới 5 tuổi, hiếp dâm rồi giết trẻ em…

* Vậy theo bà, đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng xâm hại tình dục trẻ em, nhưng đầu tiên phải kể đến là công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em chưa hiệu quả. Trẻ chưa được hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục; các em khi bị xâm hại đa phần đều có tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti nên không dám chia sẻ, tố giác kẻ phạm tội. Cha mẹ ít chủ động dạy con kỹ năng tự bảo vệ và đôi khi sợ điều tiếng, e ngại ảnh hưởng đến tương lai của con em mình nên cũng không tố giác vụ việc. Thứ hai do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, cha mẹ ly hôn, ly thân, cha mẹ mắc các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật, sao nhãng, bỏ mặc con cái.… Thứ ba là việc xuất hiện những ấn phẩm, trò chơi, thông tin trên mạng Internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm đã góp phần gia tăng nguy cơ trẻ em bị xâm hại.

21
Diễn đàn Vì ngày mai tươi sáng - nói không với xâm hại tình dục trẻ em được tổ chức tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh

* Luật Trẻ em sửa đổi được Quốc hội thông qua vào tháng 4-2016 và có hiệu lực từ 1-6-2017 có nhiều quy định mới, cụ thể khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Trẻ em năm 2004. Bà có thể nói rõ hơn về điều này?

Sau hàng loạt những vụ việc liên quan đến xâm hại trẻ em thời gian qua, việc ban hành Luật Trẻ em sửa đổi là cần thiết. Những điểm mới trong Luật Trẻ em sửa đổi 2016 gồm: Luật đã quy định rõ trẻ em là người dưới 16 tuổi. Trước đây, quyền của trẻ em được gói gọn trong 10 điều, thì tại Luật Trẻ em 2016, có 25 điều quy định cụ thể về quyền của trẻ em, trong đó bổ sung quyền được bảo vệ khỏi các mối nguy hại, quyền được bày tỏ ý kiến, tiếp cận thông tin và các hoạt động xã hội. Luật Trẻ em 2016 cũng quy định các cấp độ bảo vệ trẻ em gồm phòng ngừa, hỗ trợ, can thiệp và trách nhiệm thực hiện.

Luật quy định rõ những hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: tước đoạt quyền sống của trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em; bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em; cản trở trẻ em thực hiện quyền và bổn phận của mình; công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em; kỳ thị, phân biệt đối xử với trẻ em vì đặc điểm cá nhân, hoàn cảnh gia đình, giới tính, dân tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo. Luật Trẻ em cũng quy định rõ nhiệm vụ của tổ chức đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em là Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

* Với chủ đề: “Triển khai Luật trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, Tháng hành động vì trẻ em năm nay sẽ tập trung vào những hoạt động chính gì, thưa bà?

Tháng hành động vì trẻ em năm 2017 diễn ra từ 1-6 đến 30-6 sẽ tập trung vào các hoạt động chính sau: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Trẻ em, các chính sách về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động và nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; quan tâm đến trẻ em nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, bảo đảm cho mọi trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thi đua xây dựng xã phường phù hợp với trẻ em; nhân rộng các mô hình về bảo vệ trẻ em; tập trung giải quyết những vấn đề ảnh hưởng đến quyền trẻ em, phát hiện và xử lý nghiêm minh những hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Đồng thời, quan tâm nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho trẻ em nhất là trong dịp hè; thực hiện có hiệu quả các chương trình bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em; bố trí kinh phí, huy động nguồn lực, vận động các doanh nghiệp, các tổ chức cùng chung tay chăm sóc cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, biểu dương và nhân rộng những tấm lòng yêu trẻ.

* Trân trọng cảm ơn bà!

Nguyễn Xuân (thực hiện)

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.