Multimedia Đọc Báo in

Người lao động bị ảnh hưởng như thế nào khi thay đổi cách tính tỷ lệ lương hưu từ năm 2018?

08:06, 10/01/2018

Từ ngày 1-1-2018, Khoản 2 Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) số 58/2014/QH13 có hiệu lực thi hành. Theo đó, tỷ lệ hưởng lương hưu được tính theo cách mới và có nhiều điểm khác so với cách tính lương hưu cũ. Với việc áp dụng cách tính tỷ lệ lương hưu mới này, tất cả mọi người lao động đều bị giảm quyền lợi hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Luật BHXH quy định cách tính lương hưu mới như sau: “Từ ngày 1 tháng 1 năm 2018, mức lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện quy định tại Điều 54 của Luật này được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 62 của Luật này và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:

a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;

b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%”.

Theo cách hiểu giản đơn, kể từ năm 2018 trở đi, để đạt được mức hưởng lương hưu tối đa 75% thì lao động nữ phải có thời gian tham gia BHXH là 30 năm; lao động nam phải có thời gian đóng BHXH là 31 năm, năm 2019 là 32 năm…, năm 2022 là 35 năm. Như vậy, kể từ năm 2018, nếu lao động nữ có đủ 30 năm đóng BHXH trở lên, lao động nam có đủ 31 năm đóng BHXH trở lên thì tỷ lệ hưởng lương hưu không thay đổi (hưởng mức tối đa), hay nói cách khác là lương hưu hằng tháng của người lao động không thay đổi so với cách tính cũ.

Nhân viên Bưu điện TP. Buôn Ma Thuột chi trả lương hưu cho người dân trên địa bàn phường Tân An  (TP. Buôn Ma Thuột).    Ảnh: N. Xuân
Nhân viên Bưu điện TP. Buôn Ma Thuột chi trả lương hưu cho người dân trên địa bàn phường Tân An (TP. Buôn Ma Thuột). Ảnh: N. Xuân

Tuy nhiên, những trường hợp này có bị ảnh hưởng ít nhiều đến quyền lợi hưởng BHXH, đó là bị giảm mức hưởng trợ cấp một lần khi về hưu, tức là giảm mức hưởng trợ cấp một lần cho thời gian đóng vượt mức tối đa. Theo cách tính cũ thì lao động nữ có thời gian đóng BHXH từ năm thứ 26 trở đi được tính là thời gian đóng vượt mức tối đa, trong khi đó theo quy định mới thì đóng BHXH từ năm thứ 31 trở đi mới được tính là thời gian đóng vượt; tương tự, thời gian được tính vượt mức tối đa đối với nam là năm thứ 32 (2018), năm thứ 33 (2019)…, năm thứ 36 (năm 2022). Mức trợ cấp một lần dù có giảm chút ít nhưng không ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng lương hưu của người lao động về sau này, do đó, đóng BHXH đủ mức tối đa sẽ bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người lao động sau khi về hưu.

Đối với lao động đóng BHXH chưa đạt mức tối đa thì lương hưu sẽ bị giảm so với cách tính cũ, trong đó lao động nữ bị thiệt thòi hơn do không có lộ trình áp dụng như nam giới. 

Lao động nữ, nếu trước đây đóng BHXH đủ mức tối thiểu là 20 năm để được hưởng lương hưu thì tỷ lệ hưởng là 60%, trong khi đó theo cách tính mới thì tỷ lệ hưởng là 55%; tương tự nếu lấy mốc thời gian đóng BHXH là 25 năm thì tỷ lệ hưởng theo quy định cũ là 75%, tỷ lệ hưởng theo cách tính mới là 65%.

Lao động nam, nếu trước đây đóng BHXH đủ mức tối thiểu là 20 năm để được hưởng lương hưu thì tỷ lệ hưởng là 55%, trong khi đó theo cách tính mới thì từ năm 2018 tỷ lệ hưởng là 53%, năm 2019 là 51%..., năm 2022 là 45%; tương tự nếu lấy mốc thời gian đóng BHXH là 30 năm thì tỷ lệ hưởng theo quy định cũ là 75%, tỷ lệ hưởng theo cách tính mới từ 2018 là 73%, từ 2019 là 71%..., từ 2022 là 65%. 

Về cơ bản, sự thay đổi trong cách tính lương hưu không thay đổi bản chất nhân văn của chính sách BHXH, điều kiện để được hưởng lương hưu không thay đổi, mức hưởng lương hưu thấp nhất đối với người tham gia BHXH bắt buộc ít nhất cũng bằng mức lương cơ sở (hiện nay là 1.300.000 đồng/tháng), đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người hưởng lương hưu. Tuy nhiên, nguyên tắc BHXH là có đóng, có hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít. Vì vậy, để bảo đảm có mức lương hưu cao thì người lao động phải tích cực tham gia BHXH, chắt chiu thời gian đóng BHXH, không nhận trợ cấp BHXH một lần để tích lũy thời gian, không nghỉ hưu sớm khi đang còn sức lao động để có mức sống khá khi về già. 

Ảnh hưởng nhiều nhất là lao động nghỉ hưu trước tuổi do suy giảm khả năng lao động mà chưa đủ thời gian đóng BHXH tối đa theo quy định, người lao động bị giảm tỷ lệ hưởng theo cách tính lương hưu mới, vừa bị giảm tỷ lệ hưởng do nghỉ hưu trước tuổi nên tỷ lệ hưởng lương hưu sẽ thấp.

Trương Văn Bá

(Bảo hiểm xã hội tỉnh)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.