Multimedia Đọc Báo in

Đường đến trung tâm xã Băng A Drênh hư hỏng nặng

09:10, 10/09/2018

Mấy năm gần đây, đường đến trung tâm xã Băng A Drênh (huyện Krông Ana) đoạn từ ngã 3 Quỳnh Tân (thị trấn Buôn Trấp) đến Ngã 3 cây hương (xã Băng A Drênh)  xuống cấp, hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao, trở thành nỗi ám ảnh của người dân mỗi khi qua đây.

Ghi nhận của phóng viên, nhiều vị trí trên đoạn đường này đã bong tróc hết toàn bộ lớp nhựa, xuất hiện chi chít ổ gà, ổ voi, thậm chí một số đoạn tạo thành ao nước chiếm hết diện tích mặt đường. Ở các vị trí có hố sâu, nước đọng lâu ngày tạo thành cái “bẫy” người đi đường. Đơn cử như đoạn qua chợ thôn 1, để vượt qua được đoạn đường 4 cây số này, mọi phương tiện phải di chuyển rất chậm, mất hơn nửa giờ đồng hồ, gặp mùa mưa phải vừa đi vừa dò đường nhằm tránh hố sâu.

Hố sâu trên đường đoạn trước khu vực Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng ngập nửa bánh xe ôtô.
Hố sâu trên đường đoạn trước khu vực Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng ngập nửa bánh xe ôtô.
 

“Theo Nghị quyết số 38/NQ-HĐND, ngày 8-12-2017 của HĐND tỉnh về Kế hoạch đầu tư công trung hạn nguồn vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2016-2020, đường đến trung tâm xã Băng A Drênh được phê duyệt 20 tỷ đồng. Mới đây, UBND huyện đã có tờ trình về thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn dự án đề nghị Sở Kế hoạch – Đầu tư xem xét báo cáo UBND tỉnh quyết định đầu tư dự án trong giai đoạn 2019-2021”.

 
 
 Ông Trần Phước Ku Ba, Phó trưởng Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Krông Ana

Còn theo phản ánh của các hộ dân dọc hai bên tuyến, tình trạng đường hư hỏng, xuống cấp đã có từ nhiều năm nay, song việc sửa chữa chỉ mang tính tạm thời nên chỉ được một thời gian đâu lại vào đó. Bên cạnh đó, đây cũng là tuyến đường nối huyện Krông Ana với huyện Cư Kuin nên hằng ngày có hàng chục lượt xe tải chở vật liệu xây dựng lưu thông qua 2 địa phương.

Chị P.T.H (tổ 5, buôn Êcăm, thị trấn Buôn Trấp) cho biết, đoạn đường chỉ dài khoảng 4 cây số nhưng mỗi lần đi ngang qua chị đều cảm thấy bất an. Mùa mưa nước choán hết mặt đường, những người yếu tay lái như chị em phụ nữ ngã xe thường xuyên. Không chỉ những người đi qua đường cảm thấy lo lắng mà những hộ kinh doanh, buôn bán dọc hai bên tuyến cũng bị ảnh hưởng lớn vì đường hư hỏng: hàng hóa bày bán phải dùng vải hoặc tấm ni lông phủ kín, bởi mỗi lần xe cộ chạy qua, nhất là xe tải lớn làm nước và bùn bắn tung tóe. Nhận thấy tuyến đường hư hỏng nghiêm trọng, nhiều hộ dân xung quanh đã góp tiền mua gạch vỡ, xỉ ở các lò gạch và tham gia ngày công để lấp các vị trí ổ gà, ổ voi. Tuy nhiên, chỉ cần một trận mưa lớn hoặc xe tải lưu thông qua, đường lại hư hỏng như cũ.

Không những thế, trên đoạn đường này có tới 3 điểm trường (Trường Mầm non Hoa Phượng, Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (buôn Êcăm, thị trấn Buôn Trấp) và Trường Tiểu học Tây Phong (xã Băng A Drênh) nên vào giờ đến lớp và tan trường, học sinh, phụ huynh di chuyển rất khó khăn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông cao.

Chỉ còn một lối đi nhỏ trên đường đoạn qua buôn Êcăm (thị trấn Buôn Trấp).
Chỉ còn một lối đi nhỏ trên đường đoạn qua buôn Êcăm (thị trấn Buôn Trấp).

Ghi nhận tại điểm Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng cho thấy, mặt đường trước cổng trường gần như hư hỏng hoàn toàn, chỉ còn một lối đi nhỏ ở sát mép bờ rào của trường. Mỗi khi đường đọng nước, rất nhiều học sinh khi ngang qua bị trượt ngã, hoặc nước bắn bẩn hết quần áo do xe lớn chạy qua phải về thay trang phục. Cô Hồ Thị Mỹ Hạnh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng cho hay, đường hư hỏng nghiêm trọng, trong khi lượng xe cộ lưu thông nhiều, nhất là vào mùa thu hoạch cà phê nên vào giờ chào cờ đầu tuần hằng tuần, nhà trường thường lồng ghép tuyên truyền các quy định khi tham gia giao thông cho cán bộ, giáo viên và học sinh toàn trường. Trường cũng mong muốn Nhà nước sớm đầu tư tuyến đường này để người dân và học sinh đi lại an toàn.

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.