Nan giải vấn đề giải quyết tranh chấp, lấn chiếm đất rừng ở M'Đrắk
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk được giao quản lý 8.192,5 ha đất trồng rừng tại địa bàn xã Ea Trang (huyện M’Đrắk).
Tháng 11-2017, Công ty được UBND tỉnh cho phép tận thu 660 ha keo bị thiệt hại do cơn bão số 12. Sau khi tận thu, công ty đã tiến hành thu dọn thực bì để triển khai kế hoạch trồng rừng mới. Tuy nhiên, trong quá trình thu dọn, một số hộ dân địa phương đã tự ý lấn chiếm trồng keo trên diện tích 58,2 ha. Việc giải quyết tranh chấp đang là bài toán khó với chính quyền địa phương và doanh nghiệp.
Ngày 20-8-2018, có 12 hộ dân tại buôn Thi (xã Ea Trang) vào xâm lấn 49,8 ha đất thuộc 18 lô, tại khoảnh 7 tiểu khu 811 của Phân trường 3 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk. Diện tích này đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Quyết định số 556/QĐ-UBND ngày 10-3-2006 cho Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk. Sau vụ việc lấn chiếm trên, Công ty đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động người dân không lấn chiếm và trồng rừng trái phép trên diện tích đất của đơn vị nhưng việc giải quyết số đất bị lấn chiếm này đang gặp khá nhiều trở ngại. Ông Lê Tuấn Thành, Trưởng Phân trường 3, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk cho biết: Công ty đã báo cáo với UBND xã Ea Trang để hỗ trợ giải quyết nhưng qua nhiều lần triệu tập, lập biên bản vụ việc với người dân vào ngày 29-8-2018 tại UBND xã Ea Trang và ngày 4-9-2018 tại hiện trường đều không thành vì các hộ dân không chấp hành. Đến ngày 7-9-2018, đơn vị lại phát hiện thêm 7 hộ lấn chiếm đất rừng trồng, nâng tổng diện tích bị lấn chiếm lên 58,1 ha.
Người dân vận chuyển cây trồng đến khu vực rừng thuộc Phân trường 3 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk. |
Theo ông Ngô Văn Đức, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk, những năm gần đây, tình trạng người dân xâm lấn đất rừng trên địa bàn đơn vị quản lý diễn ra khá phức tạp. Trước tính chất vụ việc căng thẳng và với chiều hướng gia tăng, Công ty đã báo cáo chính quyền địa phương để phối hợp xử lý. Trong quá trình xử lý vụ việc, đơn vị đã bám nắm địa bàn nhằm tăng cường tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức bảo vệ rừng của người dân sống gần rừng và các khu vực lân cận. Tuy nhiên, khi lực lượng đi khỏi thì người dân lại tiếp tục hành vi lấn chiếm; đến sáng 26-9, khi ngành chức năng đến kiểm tra tại khu vực này thì vẫn thấy 4 xe máy và dụng cụ phun diệt cỏ dù không thấy người dân ở đó.
Nguyên nhân dẫn đến sự tranh chấp, lấn chiếm là do những năm gần đây giá trị kinh tế của rừng trồng ngày càng cao; tình trạng mua bán, sang nhượng rừng, đất rừng diễn biến phức tạp; việc quản lý sử dụng đất của các công ty lâm nghiệp sau chuyển đổi trong thời gian dài thiếu chặt chẽ. Dù người dân lý giải việc họ lấn chiếm đất rừng trồng là do thiếu đất sản xuất song theo ông Y Liêm Byă, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Trang, qua kiểm tra, khảo sát, UBND xã Ea Trang khẳng định các hộ có đủ đất sản xuất, thậm chí nhiều hộ đã lấn chiếm đất rừng sau đó bán lại cho người khác.
Các ngành chức năng huyện M’Đrắk khảo sát thực tế diện tích đất rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp M’Đrắk bị lấn chiếm. |
Tại cuộc họp xử lý tình hình vi phạm lấn chiếm, tranh chấp đất rừng trồng sau khai thác tại xã Ea Trang ngày 13-9-2018, sau khi nghe báo cáo và đề xuất giải pháp xử lý của các cơ quan, đơn vị, ngành chức năng, ông Hòa Quang Khiêm, Chủ tịch UBND huyện M’Đrắk đã chỉ đạo: Cần rà soát lại thực trạng hoạt động của đơn vị quản lý rừng, tổ chức đánh giá, thống kê lại tình hình quản lý đất đai, thực trạng đất sản xuất và cuộc sống người dân ở địa bàn để trên cơ sở đó có phương án xử lý phù hợp với nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, triển khai có hiệu quả các chính sách của Nhà nước đối với người dân sống gần rừng. Đồng thời, thực hiện quản lý chặt chẽ về đất đai, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên đất gắn với việc giải quyết đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng thường xuyên xảy ra tranh chấp giữa người dân với doanh nghiệp, góp phần thực hiện nghiêm Luật Lâm nghiệp, bảo đảm an ninh trật tự nông thôn trên địa bàn huyện.
Thu Nguyệt
Ý kiến bạn đọc