Công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại xã Krông Jing: Đầu tư tiền tỷ rồi "đắp chiếu"
Trên địa bàn xã Krông Jing (huyện M’Đrắk) có 2 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung tại buôn M’Suốt và buôn M’Găm được đầu tư xây dựng nhằm phục vụ nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào sử dụng thì đến nay cả 2 công trình đều ngừng hoạt động, gây lãng phí tiền tỷ…
Năm 2011, từ nguồn vốn của Chương trình 134 kéo dài, UBND huyện M’Đrắk đã giao cho Phòng Dân tộc huyện làm chủ đầu tư để xây dựng mới 2 công trình nước sinh hoạt tập trung tại buôn M’Suốt và buôn M’Găm với tổng dự toán 1 tỷ đồng nhằm cấp nước sinh hoạt cho 189 hộ dân của 2 buôn. Đến năm 2012, sau khi hoàn thành, công trình cấp nước ở buôn M’Suốt có số vốn quyết toán là hơn 444 triệu đồng; công trình tại buôn M’Găm có số vốn quyết toán gần 432 triệu đồng. Hiện cả 2 công trình này đã ngừng hoạt động khiến cuộc sống của người dân nơi đây bị ảnh hưởng.
Công trình cấp nước tại buôn M'Găm ngừng hoạt động nên người dân phải sử dụng nước giếng đào của gia đình mình. |
Có mặt tại buôn M’Suốt, chứng kiến hình ảnh công trình cấp nước tại đây bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm; cổng, tường rào khóa kín mít; hệ thống đài nước, bồn chứa đã hoen gỉ, xuống cấp khiến chúng tôi thấy xót xa. Theo ông Y Thiêm Byă, Phó buôn M’Suốt thì từ khi công trình hoàn thành đến nay chưa thấy đi vào hoạt động ngày nào. "Ngày công trình hoàn thành, hơn 60 hộ dân trong buôn rất phấn khởi vì nghĩ rằng sẽ có nguồn nước sạch phục vụ sinh hoạt, song không hiểu vì lý do gì mà đến nay người dân vẫn không được hưởng lợi từ công trình này”, ông Y Thiêm Byă bức xúc nói. Còn gia đình ông Y Rích Niê thì ngậm ngùi: "Khi biết công trình được xây dựng tại buôn, gia đình tôi đã tự nguyện hiến đất với mong muốn mình sẽ được sử dụng nước sạch, tiện lợi. Nhưng từ khi hoàn thành đến nay thì tất cả các hộ trong buôn đều chưa được sử dụng nước một ngày nào...".
Tương tự, tại buôn M’Găm, công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nhằm phục vụ cho hơn 100 hộ dân trong buôn cũng đã đóng cửa, ngừng hoạt động lâu nay. Bà H’Mác Niê cho hay, do công trình này đã ngừng hoạt động mấy năm nay nên người dân trong buôn phải đào giếng để lấy nước sinh hoạt. "Trước đây, gia đình tôi cũng hiến đất để xây dựng công trình này. Lúc công trình còn hoạt động thì mọi người trong buôn thấy tiện lợi lắm. Nhưng khoảng 3 năm trở lại đây, không hiểu vì sao công trình không còn cấp nước cho người dân nữa", bà H’Mác thắc mắc.
Theo phản ánh của người dân thì họ đã nhiều lần đề xuất đến xã, huyện với mong muốn các đơn vị chức năng sửa chữa công trình để người dân có nước sinh hoạt, song đến nay thì mọi việc vẫn chưa được giải quyết. |
Tại biên bản làm việc giữa Phòng Dân tộc huyện, UBND xã Krông Jing và đại diện buôn M’Suốt, buôn M’Găm đề ngày 9-4-2018 nêu rõ: Vào năm 2012, đã bàn giao công trình nước sạch cho người dân ở buôn M’Găm và buôn M’Suốt. Đối với công trình ở buôn M’Găm thì đã sử dụng được một thời gian, song do có 3 hộ dân không đóng tiền điện bơm nước nên buôn trưởng đã đề nghị cắt điện bơm nước. Chính vì vậy, công trình này dừng hoạt động. Còn đối với công trình tại buôn M’Suốt, do không có đường ống dẫn nước về đến từng hộ gia đình, trong khi đó người dân vẫn không thống nhất được phương án kéo đường ống nước đến từng hộ dân nên công trình chưa thể sử dụng được. Tại biên bản làm việc này thì đại diện UBND xã Krông Jing và Ban tự quản của buôn M’Suốt cũng đã đề nghị các phòng, ban của huyện M’Đrắk tạo điều kiện, cho chủ trương, xem xét sử dụng nguồn vốn của Chương trình 135 để kéo đường ống dẫn nước tới các hộ dân trong buôn M’Suốt để người dân có thể sử dụng nước từ công trình.
Công trình cấp nước tại buôn M'Suốt đã "đắp chiếu" lâu nay. |
Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Quỳ, Trưởng Phòng Dân tộc huyện M’Đrắk cho rằng: Vì các lý do chủ quan là do vài người dân trong buôn M’Găm không chịu đóng tiền điện để có kinh phí bơm nước nên công trình đành phải ngưng hoạt động. Còn đối với buôn M’Suốt thì do người dân không thống nhất được việc lắp đường ống dẫn đến từng hộ nên công trình chưa thể hoạt động được. Bởi lẽ, các công trình này là cấp nước sinh hoạt tập trung. Nếu người dân muốn dẫn nước đến từng hộ thì phải “cộng đồng trách nhiệm” với nhau, chứ Nhà nước không thể bao cấp mãi được.
“Phòng Dân tộc huyện cũng đã kiến nghị với các cơ quan chức năng quan tâm, hỗ trợ, bố trí kinh phí để sửa chữa, duy tu, bảo dưỡng giúp công trình hoạt động trở lại. Song song với đó, huyện cũng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân hiểu được công trình do Nhà nước xây dựng thì việc đóng tiền điện hoặc kéo đường dẫn nước về từng hộ là trách nhiệm của người sử dụng, vì họ chính là những người được trực tiếp hưởng lợi từ công trình”, ông Quỳ nói.
Hà Duy
Ý kiến bạn đọc