Người dân Ea Na mong chờ một cây cầu
Hàng chục năm nay, người dân xã Ea Na (huyện Krông Ana) phải bỏ ra một khoản chi phí không hề nhỏ để sang canh tác, sản xuất phía bên kia sông Krông Ana. Có một cây cầu kiên cố bắc qua sông là niềm mong mỏi bấy lâu nay của hàng trăm hộ dân nơi đây.
Theo thống kê của UBND xã Ea Na (huyện Krông Ana), người dân địa phương có khoảng 400 ha đất sản xuất, canh tác ở phía bên kia sông sông Krông Ana, thuộc địa bàn xã Buôn Cuăh, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông. Do ở khu vực này chưa có cây cầu nào, nên hằng ngày người dân phải đi lại bằng phà, chi phí cho mỗi lượt đi phà là 10.000 đồng/người, 5.000 đồng/xe máy.
Anh Y Tím Knul (buôn Cuăh, xã Ea Na) phàn nàn, nhà anh có 1 ha đất trồng cây ngắn ngày bên kia sông, hằng năm chi phí đi phà còn nhiều hơn chi phí bón phân, mua giống cây trồng. Chưa kể, sản phẩm làm ra chưa bao giờ được bán đúng với giá thị trường, hơn 10 năm canh tác trên diện tích đất này anh đều phải bán sản phẩm tươi tại ruộng, với giá rẻ.
Tương tự, anh Y Sang Niê (buôn Cuăh) bức xúc, nhà có 5 ha đất trồng ngô, năm nào đến mùa gieo tỉa và thu hoạch gia đình anh phải vất vả lắm mới thuê được người làm công, dù tiền thuê công cao hơn so với giá mặt bằng chung từ 20.000 đồng - 30.000 đồng/ngày nhưng ít người mặn mà vì phải đi lại bằng phà nguy hiểm. Đất đai cằn cỗi, giá công cao, không thể vận chuyển sản phẩm làm ra về nhà nên toàn phải bán tươi tại ruộng với giá rẻ, cộng với chi phí đi lại bằng phà hằng ngày khiến anh Y Sang có lúc muốn bán ruộng.
Hàng chục người trên phà đều không sử dụng áo phao. |
Địa phương có hơn 300 hộ dân ở các buôn: Drai, Cuăh và buôn Tơ Lơ có đất xâm canh phía bên kia sông nên nhu cầu đi lại để sản xuất rất lớn. Do đó, việc xây dựng một cây cầu kiên cố bắc qua sông ở khu vực này là hết sức cần thiết, cấp bách ".
Ông Nguyễn Hà Đức, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Na
|
Hiện tại, để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, ở khu vực sông Krông Ana đoạn bến cát Quỳnh Ngọc có 2 chiếc phà phục vụ việc đưa đón. Điều đáng lo ngại là tất cả người dân khi đi phà đều không được trang bị áo phao, dụng cụ nổi cứu sinh, nguy cơ mất an toàn rất cao.
Quan sát thực tế vào chiều 28-9-2019, mỗi chiếc phà chở khoảng 50 người từ phía huyện Krông Nô (Đắk Nông) sang bên này sông, nhưng không có bất cứ người dân nào được trang bị áo phao. Chưa kể, trên phà có rất nhiều phương tiện từ xe máy, xe đạp, thậm chí cả ô tô. Khi phà gần tới bờ sông, mọi người đứng trên phà đều cố di chuyển nhanh chóng về phía mũi phà để được lên bờ gây nên cảnh nhốn nháo khiến người chứng kiến không ít lần phải thót tim.
Không chỉ người dân xã Ea Na có nhu cầu qua sông đi lại sản xuất, mà còn có rất nhiều người dân, học sinh của xã Buôn Cuăh, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) hằng ngày phải qua phà để làm ăn, học tập. Do đó, nếu khu vực này có cầu kiên cố bắc qua sông, thì việc đi lại, kinh doanh buôn bán của người dân hai tỉnh sẽ bớt nhọc nhằn, đỡ chi phí rất nhiều.
Người dân xã Ea Na trở về nhà sau một ngày lao động phía bên kia sông. |
Về vấn đề này, ông Đoàn Sỹ, Trưởng Phòng Kinh tế - hạ tầng huyện Krông Ana cho biết, trước đây địa phương đã có văn bản kiến nghị xây dựng cầu dân sinh bắc qua sông Krông Ana đoạn gần khu vực bến cát Quỳnh Ngọc nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt khai thác tiềm năng sản xuất các loại cây trồng ngắn ngày như đậu, ngô của người dân xã Ea Na nói riêng, huyện Krông Ana nói chung ở phía bên kia sông. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có dự án xây dựng cầu qua khu vực này, bà con vẫn hằng ngày chấp nhận mất phí, cũng như sự nguy hiểm khi đi lại bằng qua phà để đi lại, sản xuất.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc