Dân "kêu trời" vì nhiều tuyến đường nội thành xuống cấp
Hiện nay nhiều tuyến đường khu vực trung tâm TP. Buôn Ma Thuột bị hư hỏng, xuống cấp trầm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất, đời sống dân sinh và tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông. Điều đáng nói, đây là những công trình, dự án đã có chủ trương xây dựng, sửa chữa nhưng chậm triển khai khiến người dân bức xúc.
Từ nhiều năm nay, tuyến đường Hùng Vương xuất hiện nhiều ổ gà, ổ voi, song do không được sửa chữa nên tình trạng xuống cấp ngày càng nghiêm trọng hơn. Một số vị trí hầu như không còn lớp nhựa trên mặt đường, thay vào đó là những hố sâu kéo dài, khiến việc đi lại của người dân rất khó khăn. Cứ mỗi trận mưa, các hố sâu trên đường lại tăng lên, khi nước ngập phương tiện phải lùi hoặc quay đầu đi đường khác.
Anh Nguyễn Phú Mạnh (chủ gara sửa chữa ô tô Phú Mạnh ngay mặt đường Hùng Vương) bức xúc vì hễ mưa xuống là khúc đường này bị ngập sâu khoảng 50 cm. Anh và một số người dân phải mua xà bần lấp lại để đi tạm, song cứ được ít ngày là trôi hết. Mùa khô, lượng phương tiện đến sửa chữa tại gara khá đông, nhưng vào mùa mưa hầu như khách tìm đến xưởng khác. Đối với khách quen, trước khi đến gara họ phải gọi điện hỏi đường còn ngập nước không rồi mới đưa phương tiện tới “khám”. Nếu Nhà nước không sớm sửa chữa hoặc đầu tư làm mới tuyến đường thì người dân phải chịu khổ dài dài.
Tài xế phải dùng đá kè đường để phương tiện đi qua đoạn ngập nước trên đường Hùng Vương. |
Bà Trần Thị Tuyết (buôn Kô Siêr, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) than thở: “Tuyến đường này hư hỏng bao nhiêu năm nay, dân tự vá đường nhưng chẳng thấm vào đâu. Khi mưa đến thì nước ngập hết mặt đường, vị trí trước Nhà cộng đồng buôn Kô Siêr biến thành một cái ao kéo dài cả mấy mét. Mỗi lần nghe tiếng động lớn lại cảm thấy bất an vì nghĩ xảy ra va chạm giao thông do tình trạng người dân, học sinh tự té xe xảy ra thường xuyên. Từ lâu người dân chúng tôi nghe thông tin tuyến đường đã được phê duyệt và có chủ trương đầu tư nâng cấp, sửa chữa, mà chờ mãi đến bây giờ vẫn chưa thấy thành phố triển khai xây dựng”.
Tương tự là tuyến đường nối đường Lê Duẩn – Trần Quý Cáp và Mai Thị Lựu để đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, đường Y Nuê (phường Ea Tam) cũng chi chít các ổ gà. Do địa hình dốc, mặt đường nhỏ, mỗi lần mưa xuống, nước từ đường Lê Duẩn đổ về đây cuồn cuộn. Người dân sống dọc hai bên tuyến đường này ví đây là "suối Y Nuê" chứ không phải là đường bộ, phương tiện ách tắc cục bộ liên tục. Đặc biệt, từ khi Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên đi vào hoạt động, lượng phương tiện đi lại khá nhiều, đường bị xuống cấp nặng nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao.
Bà Nguyễn Thị Hòa (hộ kinh doanh mặt hàng đồ dùng học tập) phản ánh, đường Y Nuê đoạn từ Lê Duẩn đến đường 19-5 hầu như hư hỏng hoàn toàn, nhất là khu vực chợ Y Nuê. Đây là tuyến đường kết nối với Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên, trên tuyến có Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định nên xe cộ và người dân đi lại rất đông. Do đó, nếu gặp mưa lớn vào giờ cao điểm, một số vị trí đường bị ngập không di chuyển được nên bị tắc đường cục bộ. Hoạt động buôn bán của những tiểu thương như gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi lần khách vào tiệm đều lắc đầu ngán ngẩm vì đường xấu quá, đi lại chỗ này rất nguy hiểm.
Đơn cử như khu vực trước cửa hàng của gia đình bà Hòa xuất hiện hố sâu tầm 50 cm, thấy nguy hiểm bà tự mua xi măng về đắp lên nhưng được ít bữa là bị nước mưa cuốn trôi. Làm mãi cũng nản, nhưng cứ chứng kiến học sinh và người dân buôn bán nhỏ lẻ ở khu vực này té hư hỏng phương tiện, trầy xước tay chân lại thấy bức xúc thay.
Lớp nhựa trên mặt đường Y Nuê đã bong tróc hoàn toàn. |
Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Quang Cường, phụ trách Phòng Quản lý dự án Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp cho biết, công trình nâng cấp đường Trần Quý Cáp (đoạn từ Trần Quý Cáp – Mai Thị Lựu – Lê Duẩn, trong đó đoạn nối từ Lê Duẩn – Trần Quý Cáp đi qua đường Y Nuê) được phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi từ cuối tháng 10-2019. Hiện nay, đoạn Trần Quý Cáp – Mai Thị Lựu nhà thầu đang tiến hành thi công. Đối với đoạn nối từ Lê Duẩn qua Y Nuê do vướng công tác giải phóng mặt bằng nên chưa thể triển khai. Còn đối với đường Hùng Vương, UBND tỉnh đã phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi tại Quyết định số 3182/QĐ-UBND, ngày 31-10-2019, giai đoạn 1 sẽ đầu tư đoạn từ đường Nguyễn Công Trứ đến đường Nguyễn Văn Cừ. Song do điều chỉnh dự toán nên đến thời điểm hiện tại, công trình vẫn chưa được triển khai xây dựng.
Việc chậm trễ triển khai thi công các công trình khi đã có chủ trương đầu tư không những gây bức xúc đối với người dân mà còn kéo theo hệ lụy là tổng mức vốn "đội" lên buộc phải điều chỉnh. Đặc biệt, kinh phí thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phát sinh rất nhiều chi phí nếu chậm đền bù - đây là yếu tố then chốt, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chậm tiến độ của các dự án trên địa bàn tỉnh trong nhiều năm qua.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc