Multimedia Đọc Báo in

Cảnh báo những nguy cơ khi điện năng lượng mặt trời phát triển quá ồ ạt

08:11, 05/11/2020

Khai thác năng lượng mặt trời là hướng đi phù hợp, khả quan ở nước ta, một xứ sở nhiệt đới với số giờ nắng cao, đặc biệt ở khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ. Từ khi ngành điện thu mua lại điện mặt trời hòa lưới, số doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình đầu tư vào loại năng lượng này ngày càng tăng lên.

Hiện nay, nước ta đang triển khai 4 loại hình công nghệ điện mặt trời có mức giá khác nhau, gồm: điện mặt trời nổi, điện mặt trời mặt đất, điện mặt trời tích hợp hệ thống lưu trữ, điện mặt trời mái nhà (điện mặt trời áp mái). Tháng 4-2019, sau khi có những hướng dẫn chi tiết của Bộ Tài chính và Bộ Công thương, tách bạch hẳn về cơ chế thanh toán sản lượng điện mặt trời mái nhà trên lưới điện của ngành điện chứ không còn là thanh toán theo hình thức bù trừ sản lượng như trước khiến các dự án điện mặt trời áp mái phát triển ngày càng nhanh.

 

Hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của một khách hàng tại xã Ea Uy, huyện Krông Pắc. Ảnh: Đ.Lan
Hệ thống điện mặt trời mái nhà của một khách hàng tại xã Ea Uy, huyện Krông Pắc. Ảnh: Đỗ Lan

Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh trong khi các quy định về quản lý đối với loại hình này chưa thể bắt kịp có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Đơn cử như, vấn đề xâm phạm đến quỹ đất nông nghiệp (diện tích lớn đất nông nghiệp trồng cây lâu năm hoặc thậm chí đất trồng rừng được người dân chuyển đổi sang loại đất nông nghiệp khác sử dụng để làm trang trại hoặc chăn nuôi nhưng thực tế là để đầu tư điện năng lượng mặt trời áp mái; hoặc người dân chuyển nhượng đất cho doanh nghiệp đầu tư điện năng lượng mặt trời) có thể dẫn đến diện tích đất nông nghiệp bị sử dụng không đúng mục đích ngày càng tăng lên.

Tiếp theo là vấn đề pháp lý và quản lý đối với hệ thống điện mặt trời áp mái. Điện mặt trời mái nhà hay áp mái là hệ thống điện mặt trời có các tấm quang điện được lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng. Điện mặt trời trên đất nông nghiệp có được gọi là điện áp mái và thế nào là mái của công trình xây dựng thì ngay cả các cơ quan quản lý vẫn còn lúng túng, chưa có quy định điều chỉnh cụ thể.

Bên cạnh đó, sự phát triển quá nhanh cũng ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của hệ thống hòa lưới và truyền tải điện. Mỗi dự án điện năng lượng mặt trời chỉ mất 1 - 2 năm để triển khai, nhưng lưới truyền tải để đáp ứng được sẽ phải xây dựng từ 3 - 4 năm. Với hiện trạng phát triển quá nhanh, hệ thống điện rất dễ gặp phải các vấn đề về đường dây, máy biến áp liên tục bị vi phạm giới hạn vận hành, gây bất ổn hệ thống và nguy hiểm cho thiết bị và người sử dụng.

Ngoài ra, để sản xuất được những vật tư phục vụ cho việc khai thác năng lượng mặt trời cũng tiêu tốn không ít tài nguyên và quá trình sản xuất cũng tác động không nhỏ đến môi trường. Khai thác năng lượng mặt trời là một vấn đề còn tương đối mới mẻ ở nước ta, nên vẫn đang trong giai đoạn lắp đặt mới và vận hành. Tuy nhiên, về lâu dài việc xử lý nguồn thải từ các tấm pin năng lượng mặt trời cũng cần quy định chi tiết. Rõ ràng sẽ có nhiều mối lo ngại đối với quy trình xử lý nguồn thải từ các tấm pin này sau khi các dự án hết hạn sử dụng.

Không thể phủ nhận, năng lượng mặt trời là một nguồn năng lượng sạch, không chỉ vô tận mà còn thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, đằng sau những thuận lợi cả trong đầu tư, lắp đặt, sử dụng và những lợi nhuận trong kinh doanh mà nó mang lại thì vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đe dọa đến sự phát triển bền vững. Thiết nghĩ, các ngành chức năng cần xem xét mọi khía cạnh của vấn đề, ban hành các quy định pháp luật điều chỉnh cụ thể nhằm tạo ra sự chặt chẽ hơn trong công tác quản lý và phát triển hiệu quả hơn loại năng lượng này.

Đặng Công Nhật Thuận

 


Ý kiến bạn đọc