Multimedia Đọc Báo in

Có phải sốt sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mới tốt?

08:36, 24/06/2021

Vắc-xin là chế phẩm có tính kháng nguyên có nguồn gốc từ vi sinh vật gây bệnh hoặc các cấu trúc kháng nguyên giống vi sinh vật gây bệnh, đã được bào chế bảo đảm độ an toàn cần thiết, kích thích cơ thể tự tạo ra kháng thể chống lại tác nhân gây bệnh.

Hiện nay, các loại vắc xin ngừa COVID-19 đang được sản xuất theo 3 phương pháp: (1) vắc xin mRNA: vắc xin đưa phân tử RNA được tổng hợp vào tế bào của cơ thể; (2) vắc xin protein: vắc xin này bao gồm các mảnh protein tinh khiết của vi rút SARS-Cov-2; (3) vắc xin vector: vắc xin được sản xuất bằng cách sử dụng một loại vi rút đã được biến đổi và không còn khả năng gây bệnh. Vắc xin ngừa COVID-19 của AstraZenica được sản xuất theo công nghệ vector.

Tiêm vắc xin COVID-19 cho đối tượng ưu tiên tại điểm tiêm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sáng 16-6
Tiêm vắc xin COVID-19 cho đối tượng ưu tiên tại điểm tiêm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Kim Hoàng  

Khi tiêm vắc xin vào cơ thể, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ nhận diện vắc xin là vật lạ, từ đó tạo ra kháng thể đặc hiệu và những tế bào trí nhớ giúp cơ thể chống lại và ghi nhớ loại vi sinh vật này. Về sau, khi tác nhân này xâm nhập vào cơ thể, hệ miễn dịch sẽ huy động hoặc nhanh chóng tạo ra kháng thể đặc hiệu tấn công tác nhân gây bệnh này ngay lập tức và hiệu quả để bảo vệ cơ thể không mắc bệnh. 

Những phản ứng hay tác dụng phụ thường gặp sau tiêm ngừa COVID-19 thuộc loại nhẹ, trung bình, nặng hay rất nặng là tùy thuộc vào loại vắc xin và mức độ phản ứng với vắc xin đó của cơ thể mỗi người. Do đó, không thể cho rằng tình trạng sốt hoặc có phản ứng sau tiêm ngừa là tốt, ngược lại nếu không sốt (hay sốt nhẹ) hoặc không có phản ứng sau tiêm thì không tốt, không có kháng thể bảo vệ.

Một vắc xin được cho là lý tưởng khi có hiệu quả bảo vệ cao, kéo dài và không có hoặc rất hiếm khi có tác dụng phụ không mong muốn. Trong quá trình bào chế và thử nghiệm vắc xin, các nhà sản xuất đều quan tâm đến các vấn đề: hiệu lực như thế nào, hiệu quả ra sao và tác dụng phụ không mong muốn có nhiều không? nặng không? Vắc xin khi được cấp phép lưu hành, nghĩa là đã có hiệu quả bảo vệ nhất định và tác dụng phụ ở mức chấp nhận được. 

Có một điều chắc chắn là vắc xin luôn mang lại hiệu quả: phòng ngừa được bệnh, nghĩa là người nhiễm vi rút nhưng không có bệnh; giúp người đã nhiễm bệnh không có biến chứng hoặc không diễn tiến nặng; giúp người đã nhiễm bệnh không lây mầm bệnh cho người khác. 

Về tác dụng phụ không mong muốn, thông thường khi tiêm vắc xin, nghĩa là đưa vật lạ vào cơ thể, cơ thể sẽ phản ứng lại. Mức độ phản ứng của cơ thể tùy thuộc nhiều yếu tố: loại hoặc số lượng vật lạ đưa vào cơ thể (tùy theo phương pháp  sản xuất vắc xin) và cơ địa của mỗi người. Điều này giải thích tại sao, sau khi tiêm vắc xin, có người thì bình thường nhưng cũng có người đau nhức, uể oải, ớn lạnh, sốt cao, mệt mỏi, nổi mề đay, thậm chí một số người rơi vào trạng thái khó thở, sốc phản vệ phải nhập viện cấp cứu.

Tùy theo loại vắc xin được bào chế theo phương pháp nào, mà cơ thể có những phản ứng khác nhau. Có loại vắc xin đưa vào cơ thể rất nhiều protein “lạ” mới kích thích cơ thể tạo ra kháng thể bảo vệ, vắc xin này sẽ gây phản ứng nhiều như sốt cao, mệt mỏi, phát ban... và một số phản ứng nặng khác. Có loại vắc xin chỉ cần đưa vào cơ thể một ít protein “lạ” cũng đã kích thích cơ thể tạo ra kháng thể bảo vệ và dĩ nhiên các tác dụng phụ sẽ ít xảy ra.

Bên cạnh đó, phản ứng của cơ thể từng người (cơ địa) với mỗi loại vắc xin là khác nhau. Do đó, cùng tiêm một loại vắc xin nhưng có người chỉ cảm thấy hơi uể oải, mệt mỏi, nhưng có người bị đau đầu, nhức chỗ tiêm, ớn lạnh, sốt cao, buồn nôn, nôn mửa... và một số rất ít bị những phản ứng nặng như tụt huyết áp, khó thở, sốc phản vệ.

Các tác dụng không mong muốn thường gặp sau tiêm vắc xin ngừa COVID-19 như: đau nhức, nổi mẩn đỏ, sưng tấy tại chỗ tiêm; mệt mỏi, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, sốt hoặc sốt cao, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy… Tình trạng khó thở, sốc phản vệ, ngưng thở rất hiếm khi xảy ra.

PGS.TS.BS Bùi Quốc Thắng

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.