Nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng cháy, chữa cháy
Thời gian qua, trong tỉnh xảy ra nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nhân Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động – Phòng chống cháy nổ lần thứ 17 năm 2015, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với Đại tá NGUYỄN VĂN ĐỊNH, Giám đốc Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy (PCCC) tỉnh xung quanh công tác PCCC trên địa bàn.
°Tình hình cháy nổ trên địa bàn tỉnh trong năm 2014 diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng về số vụ cũng như thiệt hại do cháy nổ gây ra. Theo đồng chí, đâu là nguyên nhân của tình trạng trên?
Năm 2014, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 48 vụ cháy, 1 vụ nổ, làm 3 người chết, 1 người bị thương; thiệt hại tài sản ước tính khoảng 28,2 tỷ đồng, 10,7 ha mía và 6,8 ha rừng. So với năm 2013, tăng 9 vụ cháy, 2 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản tăng 25,3 tỷ đồng. Có thể nói, các vụ cháy, nổ thường xảy ra tập trung ở khu vực đông dân cư (chiếm 50% tổng số vụ).
Ngoài những sự cố mang tính khách quan, nguyên nhân quan trọng nhất dẫn đến cháy, nổ là do một số cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PCCC; việc tuyên truyền, giáo dục ý thức về công tác PCCC chưa được quan tâm đúng mức; công tác thanh tra, kiểm tra PCCC chưa được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, một số cán bộ chưa được đào tạo, huấn luyện chuyên sâu về nghiệp vụ PCCC và cứu nạn cứu hộ nên khi được phân công nhiệm vụ còn lúng túng; số được đào tạo chuyên ngành lại thiếu kinh nghiệm thực tế; phương tiện, trang thiết bị chuyên ngành thiếu đồng bộ. Ý thức sử dụng lửa, điện của người dân còn bất cẩn, dễ xảy ra cháy nổ.
°Được biết đơn vị mới thành lập, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ bên cạnh thuận lợi, cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Đồng chí có thể nói rõ hơn về những vấn đề này?
Cảnh sát PCCC tỉnh mới được thành lập từ ngày 6-9-2014, bước đầu đã kiện toàn tổ chức biên chế, xây dựng và thực hiện các quy chế làm việc và hoạt động của đơn vị. Đồng thời, duy trì lực lượng thường trực, bảo đảm công tác tham mưu, kiểm tra, hướng dẫn, thẩm duyệt và sẵn sàng chữa cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh. Đơn vị đã tổ chức sơ kết 8 chuyên đề công tác kiểm tra an toàn PCCC; đẩy mạnh tuyên truyền và xây dựng phong trào toàn dân PCCC; điều tra, phân loại 3.879 cơ sở thuộc diện quản lý về công tác PCCC; kiểm tra an toàn PCCC ở 1.065 cơ sở có nguy cơ cao về cháy, nổ, xử phạt hành chính 37 trường hợp. Bên cạnh đó, thẩm duyệt 51 hồ sơ thiết kế kỹ thuật về PCCC; tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC cho cán bộ, chiến sĩ, lực lượng PCCC dân phòng và lực lượng PCCC cơ sở… Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, Cảnh sát PCCC tỉnh còn gặp không ít khó khăn. Đó là, công tác quản lý nhà nước về PCCC chưa đáp ứng so với yêu cầu và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là công tác quy hoạch, xây dựng các hạng mục PCCC tại các khu công nghiệp, khu đô thị, chợ, trung tâm thương mại… còn nhiều bất cập. Các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân tổ chức lực lượng PCCC chưa đầy đủ, chưa quan tâm đầu tư trang bị phương tiện PCCC, ý thức của một bộ phận cán bộ công chức và nhân dân về PCCC còn hạn chế. Toàn tỉnh hiện có 7 phòng Cảnh sát PCCC, phụ trách theo cụm huyện, thị nhưng nhiều đơn vị chưa có trụ sở làm việc; phương tiện chữa cháy và cứu nạn cứu hộ còn thiếu thốn, lạc hậu, nhất là nguồn nước chữa cháy và phương tiện, thiết bị chữa cháy cho nhà cao tầng…
°Để công tác PCCC đạt hiệu quả cao, hạn chế thấp nhất các vụ cháy, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, trong thời gian tới cần làm tốt những công việc gì, thưa đồng chí?
Trong công tác PCCC thì nhiệm vụ phòng cháy phải luôn đặt lên hàng đầu. Chính vì vậy, các ngành, địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa việc lãnh đạo, chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn về công tác PCCC. Trong đó chú trọng thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ gồm: con người tại chỗ, phương tiện tại chỗ, phương án tại chỗ và chữa cháy tại chỗ; tăng cường quản lý nhà nước về PCCC; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của người dân về công tác PCCC bằng các hình thức trực quan sinh động. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình sản xuất, kinh doanh, thường xuyên củng cố lực lượng PCCC tại chỗ, xây dựng các phương án cụ thể về PCCC; đầu tư mua sắm các thiết bị PCCC cần thiết và cơ bản; đẩy mạnh công tác kiểm tra và tự kiểm tra, đặc biệt đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh có nguy cơ cao về cháy nổ.
Đối với lực lượng PCCC, chúng tôi cũng mong muốn tỉnh và các bộ, ngành quan tâm đầu tư thỏa đáng kinh phí sửa chữa, xây dựng cơ sở vật chất, trang bị phương tiện PCCC, cứu nạn cứu hộ hiện đại đáp ứng nhiệm vụ PCCC trong tình hình mới. Trước mắt, trong Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ lần thứ 17 năm 2015, chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề nhằm phổ biến những nội dung cơ bản của các văn bản luật, nghị định, thông tư về công tác PCCC; hướng dẫn xác định trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra cháy, nổ… Nhưng quan trọng hơn cả, mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm từ những việc làm thiết thực hằng ngày để góp phần bảo đảm an toàn PCCC.
°Xin cảm ơn đồng chí!
Nguyễn Xuân (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc