Multimedia Đọc Báo in

Ngành Y tế Dak Lak học và làm theo gương Bác bằng những phong trào thiết thực, phù hợp

17:51, 19/03/2015
40 năm qua, ngành Y tế tỉnh đã không ngừng nỗ lực, khắc phục khó khăn và từng bước đi lên, bảo đảm thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Pv Báo Dak Lak đã có cuộc trò chuyện với bác sĩ chuyên khoa II Doãn Hữu Long, Giám đốc Sở  Y tế Dak Lak về những đổi thay của ngành. 
Bác sĩ chuyên khoa II Doãn Hữu Long
 Giám đốc Sở Y tế Doãn Hữu Long
 
* Thưa bác sĩ, 40 năm sau ngày đất nước thống nhất, ngành Y tế Dak Lak đã không ngừng được củng cố, mở rộng và phát triển, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân trên địa bàn. Bác sĩ có thể khái quát đôi nét về những đổi thay ấy?
 
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngành Y tế Dak Lak còn nhiều khó khăn, thiếu thốn thiết bị y tế. Đội ngũ cán bộ y tế vào thời kỳ này còn ít, toàn tỉnh chỉ có 6 bệnh viện và 76 trạm y tế, với 863 giường bệnh; khoảng 1.267 cán bộ, trong đó có 31 bác sĩ, 10 dược sĩ đại học và 119 y sĩ.
 
40 năm qua, ngành Y tế tỉnh đã từng bước phát triển đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Đến nay, trên địa bàn tỉnh  có 23 bệnh viện với 3.750 giường bệnh; tổng số nhân lực của toàn ngành là 5.646 cán bộ, trong đó có 1.077 bác sĩ và 46 dược sĩ đại học. Ngoài ra, hệ thống cơ sở y tế trên địa bàn còn nhiều đơn vị khác như các trung tâm tuyến tỉnh; 15 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố; các phòng Y tế huyện, thị xã, thành phố và 184 trạm y tế xã, phường, thị trấn. Với đội ngũ nhân lực như hiện nay, tuy vẫn còn thiếu so với quy định, song toàn ngành đã nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Bệnh viện Đa khoa THiện Hạnh trang bị nhiều thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh trang bị nhiều thiết bị hiện đại phục vụ công tác khám chữa bệnh cho nhân dân.
 
* Trong chặng đường 40 năm phát triển, những dấu ấn nổi bật của ngành Y tế Dak Lak là gì, thưa bác sĩ?
 
Thời gian qua, ngành Y tế đã thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn, luôn lấy Y học dự phòng làm công tác chủ đạo, đồng thời quan tâm kết hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền để nâng cao chất lượng công tác điều trị. Với sự nỗ lực của ngành y tế và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành, đoàn thể của tỉnh, đến nay, Dak Lak thanh toán bệnh đậu mùa, loại trừ bướu cổ, thanh toán bệnh bại liệt, loại trừ bệnh phong với quy mô cấp tỉnh và nhiều năm liền trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh xảy ra. Một thành tích nữa phải kể đến đó là nhân lực y tế đã phát triển cả về số lượng và chất lượng, trong đó tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân so với các tỉnh miền núi của cả nước luôn đạt ở mức cao. Hệ thống y tế cơ sở ngày càng vững mạnh và hoàn thiện, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ, y sĩ sản nhi, nữ hộ sinh, bảo đảm đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân tại tuyến cơ sở. 100% bệnh viện tuyến huyện thực hiện được phẫu thuật cấp cứu, thậm chí một số bệnh viện thực hiện được đại phẫu và các kỹ thuật vượt tuyến. Tính trung bình mỗi năm, ngành Y tế tỉnh thực hiện khám chữa bệnh cho trên 1,2 lượt bệnh nhân, luôn đạt và vượt so với quy định của Bộ Y tế. Ngoài ra, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế của tỉnh đến thời điểm này đạt 72,8%, cao hơn tỷ lệ chung của cả nước (71,6%). 
 
* Thời gian qua, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã và đang được các cấp, các ngành hưởng ứng, tạo nên nhiều chuyển biến tích cực. Vậy, theo bác sĩ, ngành Y tế đã cụ thể hóa việc học tập và làm theo gương Bác như thế nào? 
 
Cùng với việc chỉ đạo và phát động hưởng ứng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, ngành Y tế tỉnh đã tích cực hưởng ứng việc học tập và làm theo gương Bác bằng các phong trào với nội dung thiết thực, hiệu quả phù hợp với từng đơn vị, từng lĩnh vực công tác. Hằng tháng các bệnh viện tổ chức đánh giá sự hài lòng của người bệnh theo từng khoa phòng để nắm bắt các nội dung phản ánh, kịp thời chấn chính khắc phục; bố trí thùng thư góp ý và điện thoại đường dây nóng tại tất cả các đơn vị y tế. Đồng thời, tổ chức thực hiện nghiêm túc Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện theo chỉ đạo của Bộ Y tế để nâng cao chất lượng chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân; triển khai thực hiện phong trào thi đua tiêu biểu “Làm theo lời Bác, cán bộ Y tế: Đoàn kết, Năng động, Sáng tạo, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ Y tế hằng năm” và tiếp tục phát động phong trào thi đua nâng cao y đức, thực hiện Quy tắc ứng xử gắn việc việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, ngành cũng đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý ý kiến phản ánh của người dân về chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh thông qua đường dây nóng, nhằm kịp thời thu nhận và xử lý thông tin; đồng thời giáo dục nâng cao đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ thầy thuốc tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.
 
Thăm khám cho người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M'gar.
Thăm khám cho người bệnh điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa huyện Cư M'gar.
 
* Để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ của mình trong thời gian tới, với ngành Y tế việc đào tạo phát triển nguồn nhân lực được xem là một trong những giải pháp then chốt. Bác sĩ có thể cho biết quan điểm của ngành Y tế Dak Lak về vấn đền này như thế nào?
 
Phải nói rằng, không chỉ riêng lĩnh vực y tế mà ở bất cứ lĩnh vực gì thì trình độ chuyên môn luôn cần phải được đặt ở vị trí hàng đầu. Chính vì vậy, thời gian qua, ngành Y tế tỉnh luôn chú trọng đến việc phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể, ngành đã phối hợp tốt với các viện, trường đại học, cao đẳng, trung học trong cả nước, đặc biệt là Trường Đại học Tây Nguyên và Trường Trung cấp y tế Dak Lak trong việc đào tạo cán bộ cho cơ sở, đào tạo chuyên khoa và nghiên cứu khoa học. Qua đó, tỷ lệ cán bộ có trình độ sau đại học trong các đơn vị y tế tỉnh, huyện đã tăng lên qua từng năm, đáp ứng tốt nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân tỉnh nhà.
 
* Xin cảm ơn bác sĩ!
 
Kim Oanh (thực hiện)
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.