Multimedia Đọc Báo in

Quyết tâm nâng tầm Cà phê Buôn Ma Thuột

09:18, 10/03/2015
Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V - năm 2015 là lễ hội tầm Quốc gia và được đánh giá là lễ hội lớn nhất từ trước đến nay. Nhân dịp này, Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với đồng chí Y DHĂM ÊNUÔL, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ hội.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl thăm gian hàng của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành Cà phê lần thứ V - năm 2015.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Y Dhăm Ênuôl thăm gian hàng của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam tại Hội chợ - Triển lãm chuyên ngành Cà phê lần thứ V - năm 2015.

° Xin đồng chí cho biết ý nghĩa của việc tổ chức lễ hội lần này?

Mục tiêu của việc tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần này là nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam, tôn vinh người trồng cà phê, quảng bá văn hóa du lịch cà phê mà đại diện là địa danh Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk, nơi có diện tích và sản lượng cao nhất cả nước với diện tích trên 203 ngàn ha và sản lượng đạt trên 480 ngàn tấn. Lễ hội là dịp để nâng cao giá trị xuất khẩu, tiếp tục tôn vinh mặt hàng cà phê - một trong mười sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và là sản phẩm xuất khẩu hàng đầu của Đắk Lắk; khẳng định vị trí quan trọng của cà phê Việt Nam trong ngành cà phê thế giới; gắn kết sự phát triển của cà phê với sự phát triển kinh tế chung của các tỉnh Tây Nguyên. Lễ hội cũng là dịp để quảng bá hình ảnh Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk - mảnh đất huyền thoại, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời xúc tiến thương mại, đầu tư, phát triển du lịch đối với các tỉnh Tây Nguyên...

° Đây là lần thứ 5 tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam và 4 tỉnh Tây Nguyên tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột, vậy xin đồng chí cho biết những điểm mới nổi bật của lễ hội lần này?

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ V - năm 2015 sẽ có nhiều nội dung đa dạng và đặc sắc gắn với chuỗi sự kiện kỷ niệm các ngày Lễ lớn của đất nước và của tỉnh, trong đó có kỷ niệm 110 năm hình thành và phát triển Buôn Ma Thuột; 40 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk... Ngoài chủ đề khai mạc “Cà phê Buôn Ma Thuột – Hội tụ tinh hoa đại ngàn” và bế mạc “Vọng mãi cà phê Buôn Ma Thuột”, Lễ hội còn diễn ra các chương trình như: Triển lãm ảnh nghệ thuật "Hành trình Cà phê Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk"; Trưng bày hiện vật - ảnh Kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột; Trưng bày sinh vật cảnh; Hội chợ triển lãm cà phê; Chương trình trò chơi cho nông dân 5 tỉnh Tây Nguyên; Chương trình liên hoan nghệ thuật; Bắn pháo hoa tầm thấp; Hội nghị về phát triển cà phê bền vững; Chung kết Hội thi nhà nông đua tài; Chương trình đêm hội vào mùa; Chung kết hội thi pha chế cà phê. Và một số chương trình phụ trợ khác như: Giải bóng chuyền bãi biển; Hội thi tạc tượng gỗ Tây Nguyên; Thưởng thức cà phê miễn phí; Ngày hội du lịch Đắk Lắk chào mừng lễ hội; các chương trình an sinh xã hội...

° Sau 4 lần tổ chức, chúng ta đã có những thay đổi như thế nào về mặt tư duy để việc tổ chức lễ hội đi vào chiều sâu, thưa đồng chí?

Có thể nói, sau 10 năm và qua 4 lần tổ chức, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột đã và đang tạo nên một sức hút lớn và lan tỏa mạnh vượt ra khỏi tỉnh cũng như khu vực. Điều này được chứng minh khi sau mỗi kỳ lễ hội, du khách và nhất là giới kinh doanh tham gia ngày càng nhiều hơn, tích cực hơn, đa dạng hơn. Do vậy lần này, chúng tôi xác định thông qua lễ hội để thắt chặt hơn nữa mối liên kết giữa người trồng cà phê, doanh nghiệp và các nhà khoa học; thúc đẩy sự phát triển về kinh tế cho tỉnh nhà với mũi nhọn là cây cà phê. Những năm trước, việc gắn kết văn hóa với kinh tế tuy đã được chú trọng nhưng đôi lúc vẫn còn mờ nhạt. Tại Lễ hội lần này, chúng tôi đặt mục tiêu vừa thể hiện những nét văn hóa đặc sắc của tỉnh Đắk Lắk nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung để thực hiện tốt công tác bảo tồn các di sản, nét văn hóa của người dân tộc thiểu số; đồng thời cũng nâng cao công tác quảng bá, xúc tiến, kêu gọi các doanh nghiệp đến đầu tư tại Đắk Lắk nhằm phát triển kinh tế - xã hội, làm giàu cho các vùng nông thôn của tỉnh không những bằng cà phê mà còn phát triển các loại cây con khác, các loại dịch vụ phục vụ cho phát triển cà phê và các loại nông sản chủ lực của tỉnh. Việc tổ chức Lễ hội cà phê năm nay gắn với kỷ niệm 110 năm hình thành và phát triển Buôn Ma Thuột, 40 năm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giải phóng tỉnh Đắk Lắk và 100 năm cây cà phê được du nhập, trồng và phát triển tại vùng đất Buôn Ma Thuột cũng là một điểm rất đáng lưu ý, vừa thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế lại vừa làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các tầng lớp nhân dân trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, của các thế hệ cha anh trong công cuộc giành độc lập tự do cho non sông và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời đại mới.

°Đó là những thay đổi quan trọng, vậy xin ông cho biết kế hoạch của tỉnh để phát huy hiệu quả của sự thay đổi đó sau lễ hội?

Như đã nói ở trên, mục tiêu của việc tổ chức Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần này là nhằm tiếp tục quảng bá thương hiệu cà phê Việt Nam, tôn vinh người trồng cà phê, quảng bá văn hóa du lịch cà phê mà đại diện là địa danh Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk. Do đó, sau những kết quả thu được từ lễ hội, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động quảng bá sản phẩm Cà phê Buôn Ma Thuột ra thị trường trong nước và cả thế giới, nhằm nâng cao giá  trị của cà phê Việt Nam, cà phê Buôn Ma Thuột; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển cà phê bền vững, đẩy nhanh tiến độ tái canh cây cà phê trên địa bàn tỉnh; ứng dụng công nghệ tiên tiến vào việc trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, chế biến cà phê như công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ tạo ra các loại giống chất lượng cao, kỹ thuật chăm sóc cà phê theo hướng sản xuất cà phê sạch, đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Đồng thời đặc biệt chú trọng đến việc kêu gọi các doanh nghiệp sản xuất cà phê thành phẩm đến đầu tư nhà máy sản xuất trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và giá trị thu được từ cà phê. Tỉnh sẽ tạo điều kiện tốt nhất để người nông dân - doanh nghiệp – nhà khoa học có thể cùng nhau hướng đến một sự phát triển bền vững cho cây cà phê, xem đây là mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh.

°Xin cảm ơn đồng chí!

Giang Nam (Thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.