Multimedia Đọc Báo in

Đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận trong tình hình mới

11:07, 07/10/2015

Trước yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới, công tác dân vận cần tiếp tục đổi mới nhằm củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân đối với Đảng, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

Nhân kỷ niệm 85 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng (15-10-1930 – 15-10-2015), phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với đồng chí H’KIM HOA BYĂ, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy xung quanh vấn đề này.

Đồng chí H’Kim Hoa Byă, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.
Đồng chí H’Kim Hoa Byă, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy.

* Đồng chí có thể cho biết những kết quả nổi bật sau 17 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 18-2-1998 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về “Xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở” trên địa bàn tỉnh?

Sau 17 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW, quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở trên địa bàn tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Nổi bật là việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể cũng như cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh về quyền làm chủ của nhân dân. Các hoạt động của chính quyền ngày càng gần dân, sát dân và tôn trọng dân, từ đó giúp hạn chế các tiêu cực trong xã hội. Ý thức phục vụ nhân dân cũng như tác phong công tác của cán bộ cơ sở đã có nhiều thay đổi, giảm bớt bệnh quan liêu, mệnh lệnh, hạn chế được một phần tệ nạn tham nhũng, tiêu cực trong bộ máy Nhà nước. Thực hiện tốt QCDC ở cơ sở đã khẳng định vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và mối quan hệ phối hợp giữa chính quyền với các đoàn thể, trong đó thể hiện rõ nhất là vai trò của MTTQ các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện quyền dân chủ trong nhiều lĩnh vực gắn với xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Qua đó, làm tăng thêm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chính quyền, góp phần củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở…

Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh ký kết  chương trình phối hợp công tác dân vận giai đoạn 2015 - 2020.
Lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh ký kết chương trình phối hợp công tác dân vận giai đoạn 2015 - 2020.

* Phong trào thi đua “Dân vận khéo” là một trong những hoạt động nâng cao vai trò, hiệu quả của công tác dân vận trong tình hình mới. Đồng chí đánh giá như thế nào về phong trào này ở Đắk Lắk  thời gian qua?

Qua 5 năm triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo”, có thể khẳng định đây là một chủ trương đúng đắn, kịp thời được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện, các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng và tích cực tham gia. Nhờ “Dân vận khéo”, các tổ chức trong hệ thống chính trị đã hướng về cơ sở, cố gắng, nỗ lực duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tiếp tục cải thiện một bước đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, huy động được mọi nguồn lực của nhân dân tham gia các nhiệm vụ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Trên lĩnh vực an ninh quốc phòng, phong trào “Dân vận khéo” đã phát huy được tinh thần, trách nhiệm của nhân dân trong việc đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội, tham gia xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, bảo vệ an ninh trật tự, tăng cường nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. Trên lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã phát huy quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, chính quyền, củng cố hệ thống chính trị của địa phương, đơn vị, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tình trang quan liêu, tham nhũng, lãng phí; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận, củng cố lòng tin của dân với Đảng. Qua triển khai thực hiện phong trào, đã xuất hiện hàng trăm tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đây là những mô hình, điển hình “Dân vận khéo” có hiệu quả thiết thực, có sức lan tỏa, thu hút đông đảo quần chúng nhân dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước.

* Để nâng cao vai trò, hiệu quả công tác dân vận theo Nghị quyết 25-NQ/TW, ngày 3-6-2013 của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, thời gian tới cần tập trung vào những nhiệm vụ gì, thưa đồng chí?

- Để tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới theo Nghị quyết 25-NQ/TW, thời gian tới, công tác dân vận cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

Một là, tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ; tập trung giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân; làm cho nhân dân tin tưởng và sự lãnh đạo của Đảng, tăng cường mối quan hệ máu thịt của nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Hai là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí công tác dân vận trong tình hình mới; đồng thời đổi mới công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước.

Ba là, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội để tập hợp nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bốn là, quan tâm xây dựng, củng cố tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ Ban Dân vận, Mặt trận, đoàn thể các cấp vững mạnh; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác dân vận của các cơ quan tham mưu, giúp việc.

Theo tôi, để triển khai thực hiện có hiệu quả những nhiệm vụ trên, bên cạnh sự cố gắng, nỗ lực của hệ thống dân vận các cấp, rất cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự tham gia của các tầng lớp nhân dân.

* Xin cảm ơn đồng chí!

Nguyễn Xuân (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.