Multimedia Đọc Báo in

Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc

07:30, 25/10/2015

Mặc dù việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, nhưng thời gian qua, LĐLĐ tỉnh đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo, góp phần xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với bà VÕ THỊ HẠNH, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh xung quanh vấn đề này.

* Thưa bà, việc triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp phải những khó khăn gì?

Khó khăn lớn nhất sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá là công tác tuyên truyền về tác hại của thuốc lá chưa đủ mạnh, chưa làm chuyển biến nhận thức, thái độ, hành vi của người hút thuốc lá. Hiện chưa có nguồn kinh phí dành riêng cho việc tuyên truyền ở lĩnh vực này nên các cấp công đoàn vẫn phải thực hiện lồng ghép trong các nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đoàn viên, CNVCLĐ hoặc chỉ mới tuyên truyền đến cán bộ công đoàn. Khó khăn thứ hai là nhận thức chưa đầy đủ của người hút thuốc lá về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Bên cạnh đó, việc thực thi luật này chưa được lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quan tâm đúng mức. Việc “Cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc” tuy đã được quy định ở Điều 4, Quy chế Văn hóa công sở; điều 6 và Điều 14 Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, song ở nhiều cơ quan, đơn vị vẫn chưa đưa nội dung cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào nội quy, quy chế; chưa gắn biển cấm hút thuốc và thường xuyên nhắc nhở CNVCLĐ thực hiện. Ngoài ra, người đứng đầu hoặc thành viên ban lãnh đạo của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không gương mẫu thực hiện “Cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc” cũng là một trở ngại cho công tác tuyên truyền, vận động CNVCLĐ chấp hành luật. Thêm vào đó, công tác kiểm tra, thanh tra hoặc áp dụng chế tài xử phạt của các cơ quan chức năng đối với các hành vi vi phạm luật chưa thường xuyên, thậm chí chưa thực hiện; đồng nghiệp và mọi người chưa mạnh dạn lên tiếng, còn thờ ơ, chấp nhận và cảm thông.

* Vậy LĐLĐ tỉnh đã có những cách làm nào nhằm triển khai thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc?

Ngay từ năm 2007, khi chưa có Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, xác định tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe người lao động, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã phối hợp với Chương trình Phòng, chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) triển khai xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc đến các cấp công đoàn. LĐLĐ tỉnh Đắk Lắk là một trong những đơn vị tích cực, đi đầu trong công tác này. Cùng với việc ban hành văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và trách nhiệm của CNVCLĐ trong việc xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức thống kê số CNVCLĐ có hút thuốc tại các cơ quan, đơn vị; chỉ đạo các cấp công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở tuyên truyền, vận động CNVCLĐ giảm và bỏ hẳn thuốc lá; phối hợp với thủ trưởng đơn vị gắn việc xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc với thực hiện quy chế văn hóa công sở, phong trào xanh - sạch - đẹp, an toàn vệ sinh lao động và xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa; tuyên truyền về tác hại của thuốc lá và tài liệu cai nghiện thuốc lá trên Bản tin Công đoàn. Năm 2013, khi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực thi hành, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức ký cam kết với 100% công đoàn cấp trên cơ sở về triển khai thực hiện luật, xây dựng môi trường làm việc không khói thuốc và chỉ đạo các cấp công đoàn tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp đã thực hiện trong giai đoạn trước. Theo thống kê của các cấp công đoàn, năm 2014, số CNVCLĐ hút thuốc lá có 10.742 người, giảm 3.098 người so với năm 2009.

* Để xây dựng thành công môi trường làm việc không khói thuốc, theo bà, bên cạnh vai trò của tổ chức công đoàn các cấp, còn cần những điều kiện gì?

Theo tôi, để xây dựng thành công môi trường làm việc không khói thuốc, ngoài vai trò của tổ chức công đoàn các cấp, rất cần sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, ngành, địa phương, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và sự hưởng ứng tích cực của chính CNVCLĐ. Trong đó, vai trò của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, địa phương rất quan trọng, không chỉ gương mẫu, đi đầu mà còn chú trọng chỉ đạo, đưa nội dung không hút thuốc lá nơi làm việc vào nội quy, quy định, quy chế văn hóa công sở, phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm; đưa quy định về việc hạn chế hoặc không hút thuốc lá trong các đám cưới, đám tang, lễ hội trên địa bàn dân cư vào hương ước; đặt các biển cấm hút thuốc lá và thường xuyên tiến hành kiểm tra việc thực hiện tại chính cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương mình. Bên cạnh đó, các cơ quan có thẩm quyền tăng cường kiểm tra, giám sát và xử phạt những trường hợp vi phạm. Ngoài ra, cộng đồng và những người không hút thuốc lá cần chủ động lên tiếng yêu cầu người hút thuốc lá không hút thuốc tại địa điểm có quy định cấm; vận động, tuyên truyền người khác không sử dụng thuốc lá, giảm hút và cai nghiện thuốc lá; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm hút thuốc lá.

* Trân trọng cảm ơn bà!

Nguyễn Xuân (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.