Bảo đảm 100% số hộ có máy thu hình xem được truyền hình số theo đúng lộ trình
Đề án “Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020” của Thủ tướng Chính phủ đang được tỉnh Đắk Lắk triển khai đồng bộ với nhiều giải pháp để hoàn thành theo đúng lộ trình. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN HẢI NINH, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đề án số hóa truyền hình tỉnh xung quanh việc triển khai Đề án này.
* Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về công tác tuyên truyền của tỉnh trong việc triển khai Đề án “Số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020” thời gian qua?
- Đề án “Số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất đến năm 2020” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm chuyển đổi từ công nghệ truyền dẫn phát sóng truyền hình tương tự (Analog) sang công nghệ truyền hình số mặt đất, tạo ra sự đổi mới về nội dung, nâng cao chất lượng chương trình, thay đổi cơ chế quản lý, tách bạch được việc quản lý về cơ sở hạ tầng phát sóng và việc sản xuất chương trình. Theo Đề án này, Đắk Lắk là một trong những tỉnh thuộc nhóm IV phải thực hiện chuyển đổi. Theo đó, từ năm 2017 đến 2020 tỉnh ta phải thực hiện việc triển khai xây dựng hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất. Bên cạnh việc triển khai xây dựng hạ tầng, trong thời gian này các đài truyền hình Trung ương và địa phương phải thực hiện việc phát sóng song song các kênh chương trình truyền hình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu trên hai phương thức là công nghệ số và công nghệ Analog, và kết thúc việc phát sóng truyền hình tương tự trước ngày 31-12-2020. Triển khai, thực hiện Đề án này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Sở Thông tin và Truyền thông là cơ quan thường trực.
Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tỉnh đã chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch, chương trình cụ thể để làm tốt công tác truyền thông đến người dân. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đa dạng hóa nội dung tuyên truyền nhằm tạo sự thống nhất nhận thức không chỉ của cán bộ mà còn đến toàn thể nhân dân, nhất là người dân vùng sâu, vùng xa, sao cho người dân hiểu được họ là người hưởng lợi trực tiếp từ việc chuyển đổi công nghệ phát sóng, từ đó chủ động tham gia thực hiện.
* Để thu hút các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất vào tỉnh, Đắk Lắk có những cơ chế, chính sách như thế nào cho các doanh nghiệp, thưa ông?
- Theo Đề án số hóa truyền hình đã được Thủ tướng phê duyệt, sẽ có 8 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất. Trong đó có 3 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên toàn quốc là VTV, VTC và AVG và 5 doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng truyền hình số mặt đất ở 5 khu vực.
Tỉnh ta có những điều kiện rất thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kỹ thuật số. Có thể lấy ví dụ là Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và 15 Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện đã có một cơ sở hạ tầng truyền dẫn phát sóng tương đối đồng bộ. Do đó, khi các doanh nghiệp được phép cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng có nhu cầu đầu tư vào tỉnh, UBND tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp này có thể tận dụng tối đa được cơ sở hạ tầng sẵn có nhằm bảo đảm phục vụ lợi ích của người dân và phục vụ các nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Trên cơ sở tham mưu của Sở Thông tin và Truyền thông, tỉnh sẽ lựa chọn doanh nghiệp có đủ điều kiện về cơ sở pháp lý, có kinh nghiệm, tiềm năng về tài chính và uy tín để đầu tư hệ thống hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất của tỉnh theo đúng kế hoạch đã đề ra.
* Ông đánh giá như thế nào về chất lượng, nội dung chương trình của hệ thống truyền hình tỉnh sau khi chấm dứt việc truyền dẫn phát sóng truyền hình tương tự như hiện nay để chuyển sang truyền dẫn phát sóng truyền hình kỹ thuật số?
- Có thể thấy một điểm mới mang tính đột phá của Đề án đó là tách bạch được việc quản lý cơ sở hạ tầng truyền dẫn phát sóng với việc sản xuất các chương trình truyền hình. Thời gian qua, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh và 15 Đài Truyền thanh - Truyền hình cấp huyện đã thực hiện tốt việc sản xuất các chương trình, nội dung ngày càng phong phú, đáp ứng được nhu cầu nhân dân, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Theo tôi, khi chuyển sang truyền dẫn, phát sóng truyền hình kỹ thuật số thì cơ sở hạ tầng kỹ thuật truyền hình là do doanh nghiệp đầu tư và vận hành, còn hệ thống các Đài Truyền thanh - Truyền hình của tỉnh lúc đó chỉ còn tập trung xây dựng nội dung và sản xuất chương trình. Với việc chỉ chuyên về xây dựng nội dung và sản xuất chương trình thì chắc chắn chất lượng chương trình truyền hình sẽ tốt hơn hiện nay. Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo và hỗ trợ có hiệu quả từ các chính sách của Chính phủ cùng sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, bảo đảm 100% số hộ có máy thu hình trên địa bàn tỉnh sẽ xem được truyền hình số bằng các phương thức truyền dẫn khác nhau theo đúng lộ trình Đề án.
* Xin cảm ơn ông!
Hồng Chuyên (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc