Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao ý thức, chủ động phòng tránh tai nạn lao động

08:27, 20/03/2016

Mặc dù những năm qua, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh đã tích cực triển khai công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động – phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ-PCCN) nhưng tình trạng mất ATVSLĐ vẫn còn phổ biến, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sản xuất kinh doanh, an toàn tính mạng của doanh nghiệp và người lao động.

Nhân Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 18, năm 2016, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông LÊ HẠNH, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

* Ông có thể cho biết tình hình tai nạn lao động những năm qua trên địa bàn tỉnh?

Qua thống kê, báo cáo từ các cơ sở sản xuất kinh doanh, giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh xảy ra 82 vụ tai nạn lao động, số người bị tai nạn lao động là 89 người, trong đó số người chết là 30 người. Ngoài ra, người dân bị chết do tai nạn lao động là 145 người.

Nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động là do người lao động không được hướng dẫn hoặc hướng dẫn chưa kỹ, chưa hiểu biết về an toàn lao động. Một số người mặc dù đã được đào tạo cơ bản, được huấn luyện về an toàn lao động nhưng do chủ quan, không sử dụng các trang bị, phương tiện bảo vệ cá nhân, ý thức chấp hành kỷ luật kém. Bên cạnh đó, người sử dụng lao động bố trí, sử dụng thiết bị trong sản xuất kinh doanh không bảo đảm an toàn, không đầu tư thiết bị làm sạch môi trường làm việc, chưa hoặc ít cải thiện điều kiện lao động; không huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, không xây dựng quy trình, biện pháp an toàn lao động… Ngoài các nguyên nhân trên, cũng phải thẳn thắng nhìn nhận, công tác thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động còn ít và chưa thường xuyên. Một số đơn vị, doanh nghiệp chậm khắc phục, thậm chí không khắc phục những tồn tại đã được đoàn thanh, kiểm tra nhắc nhở.

*Theo ông, để góp phần giảm thiểu tai nạn lao động, trong thời gian tới, cần triển khai những giải pháp gì?

Để góp phần giảm thiểu tai nạn lao động, theo tôi cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng tập trung vào 3 yếu tố chính. Đối với cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức đoàn thể có liên quan và người sử dụng lao động ở các cơ sở sản xuất kinh doanh cần tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ; thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra, tự kiểm tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về ATVSLĐ, kiên quyết xử lý nghiêm minh, kịp thời đối với các hành vi vi phạm luật pháp lao động. Đối với người sử dụng lao động, cần quan tâm cải thiện điều kiện lao động, trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân, khám sức khỏe, huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động; xây dựng các quy trình, biện pháp và thực hiện đầy đủ các quy định ATVSLĐ… Đối với người lao động, không tham gia lao động khi chưa được đào tạo sử dụng máy, thiết bị, công cụ lao động hoặc cảm thấy nơi làm việc không an toàn; chấp  hành kỷ luật lao động, có ý thức trách nhiệm trong lao động, sử dụng đầy đủ trang bị cá nhân theo quy định.         

Ông Lê Hạnh (đứng giữa) cùng Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác  ATVSLĐ - PCCN tại Công ty Cổ phần Gỗ lạng Buôn Ma Thuột.
Ông Lê Hạnh (đứng giữa) cùng Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh kiểm tra công tác ATVSLĐ - PCCN tại Công ty Cổ phần Gỗ lạng Buôn Ma Thuột.

* Trong Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 18, năm 2016, tỉnh tập trung triển khai những hoạt động chính nào, thưa ông?

Tuần lễ quốc gia ATVSLĐ-PCCN lần thứ 18, năm 2016 có chủ đề: “Doanh nghiệp và người lao động tích cực, chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật An toàn, vệ sinh lao động”, diễn ra trọng tâm từ ngày 20-3 đến 26-3-2016. Tỉnh sẽ tổ chức nhiều hoạt động, trong đó, tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm cảnh báo, nâng cao nhận thức về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, ATVSLĐ-PCCN tại địa bàn khu dân cư, doanh nghiệp; phát động phong trào thi đua, ký cam kết bảo đảm ATVSLĐ-PCCN tại đơn vị, doanh nghiệp đến tận các phân xưởng, tổ đội sản xuất, người lao động; tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình công nhân, viên chức và người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra, ngành chức năng chú trọng mở các lớp huấn luyện về ATVSLĐ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cho nông dân; tư vấn, hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh xây dựng, hoàn thiện quy trình ATVSLĐ-PCCN; tiến hành thanh tra chuyên ngành, kiểm tra liên ngành tại các cơ sở sản xuất kinh doanh về thực hiện công tác ATVSLĐ-PCCN.

* Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Xuân (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.