Chú trọng hoạt động giám sát nhằm nâng cao chất lượng cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp
Cùng với cả nước, tỉnh Đắk Lắk đang tích cực chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 diễn ra vào ngày 22-5-2016. Nhằm thông tin đến các tầng lớp nhân dân về sự kiện chính trị quan trọng này cũng như công tác chuẩn bị ở địa phương, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông Y DÉC H’ĐƠK, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh.
Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử tỉnh Y Déc H'Đơk phát biểu tại Hội nghị hiệp thương lần thứ hai. |
° Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị của Ủy ban MTTQVN các cấp trong tỉnh cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội Khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 như thế nào, thưa ông?
Theo quy định của pháp luật, đối với cuộc bầu cử này, MTTQVN các cấp có trách nhiệm: tổ chức các hội nghị hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu người ứng cử; tổ chức hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến nhận xét, tín nhiệm; tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử; tuyên truyền về bầu cử; giám sát công tác bầu cử. Đến thời điểm này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQVN tỉnh đã xây dựng các kế hoạch, tổ chức các hội nghị hướng dẫn, triển khai công tác bầu cử, tổ chức xong 2 hội nghị hiệp thương thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng, lập danh sách sơ bộ người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 bảo đảm tỷ lệ đại biểu nữ, người DTTS, trẻ tuổi và người ngoài Đảng theo quy định.
° Xin ông cho biết nhiệm vụ trọng tâm của MTTQ Việt Nam tỉnh thời gian tới?
Sau hội nghị hiệp thương lần 2, MTTQVN tỉnh sẽ hướng dẫn MTTQ các huyện, thị xã, thành phố và Mặt trận các xã, phường, thị trấn nơi có người ứng cử tổ chức hội nghị cử tri để tiếp tục làm tốt quy trình hiệp thương lập danh sách chính thức người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Trên cơ sở đó, MTTQ sẽ phối hợp với UBND cùng cấp và các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan triệu tập và chủ trì hội nghị cử tri nơi cư trú để lấy ý kiến nhận xét về những người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp. Đồng thời, phối hợp tổ chức cho người có tên trong danh sách ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc cử tri để tiến hành vận động bầu cử thông qua việc báo cáo với cử tri dự kiến thực hiện trách nhiệm của người đại biểu nếu trúng cử. Bên cạnh đó, MTTQ cũng tham gia giám sát việc bầu cử, tổ chức tiếp công dân, phối hợp giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bầu cử. Đặc biệt, MTTQ các cấp phát huy vai trò trong việc tổ chức tuyên truyền và phối hợp tuyên truyền về cuộc bầu cử, vận động người dân đi bỏ phiếu bầu cử đảm bảo đạt tỷ lệ cao, để ngày bầu cử thật sự trở thành ngày hội của toàn dân...
°Trong các nhiệm vụ trên, việc tổ chức tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử rất quan trọng. Vậy ông có thể cho biết MTTQVN tỉnh và các đoàn thể chính trị - xã hội sẽ làm gì để bảo đảm vận động bầu cử công bằng và đúng luật?
Phải nói rằng việc tổ chức cho người ứng cử tiếp xúc với cử tri là quá trình gặp gỡ, trao đổi tâm tư, nguyện vọng, qua đó người ứng cử trình bày chương trình hành động của mình nếu được làm người đại biểu. Hoạt động này rất nhạy cảm vì đây là quyền nhưng cũng là trách nhiệm từ 2 phía. Để hạn chế hay tránh những việc lạm dụng diễn đàn làm sai ý nghĩa của vận động bầu cử tại hình thức tiếp xúc cử tri này, MTTQVN tỉnh đã xây dựng kế hoạch giám sát, lập đoàn giám sát, phối hợp với các đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện từ 3-5 cuộc giám sát trực tiếp; dự kiến các đoàn giám sát bắt đầu triển khai từ cuối tháng 3 cho đến khi diễn ra bầu cử.
°Ngoài vai trò, trách nhiệm của MTTQ các cấp thì vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc tham gia bầu cử như thế nào, thưa ông?
Người dân có vai trò rất quan trọng đối với cuộc bầu cử và cũng gắn một trách nhiệm nặng nề vì là người lựa chọn những đại biểu đủ đức, đủ tài vào cơ quan quyền lực Nhà nước nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình, góp phần thiết lập bộ máy Nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Vì vậy, mỗi công dân có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật thì đều có quyền cũng như nghĩa vụ, trách nhiệm đề cử, giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu bầu cử lựa chọn những đại biểu xứng đáng nhất.
° Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Xuân (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc