Sẵn sàng phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika
Mới đây, Bộ Y tế đã công bố 2 trường hợp người Việt Nam đầu tiên nhiễm vi rút Zika tại tỉnh Khánh Hòa và TP. Hồ Chí Minh, trong đó Khánh Hòa là tỉnh giáp ranh với Đắk Lắk nên nguy cơ bệnh do vi rút Zika có thể xâm nhập vào tỉnh ta là rất lớn. Trước tình hình này, Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với bác sĩ PHẠM VĂN LÀO, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh về công tác phòng chống bệnh do vi rút Zika trên địa bàn.
* Thưa ông, ngành Y tế tỉnh đã có những biện pháp nào để phòng tránh bệnh xâm nhập và lây lan trên địa bàn tỉnh?
UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh do vi rút Zika, trong đó dự phòng 3 tình huống nhằm đáp ứng nhanh, xử lý kịp thời nếu có trường hợp nhiễm vi rút Zika. Theo đó, hiện nay chúng ta đang ở tình huống thứ 2, tức là tình huống có ca bệnh tại các tỉnh thành khác nhưng chưa có tại Đắk Lắk. Tuy nhiên, việc 2 trường hợp nhiễm vi rút Zika được phát hiện tại tỉnh Khánh Hòa và TP. Hồ Chí Minh là 2 địa bàn rất gần với Đắk Lắk nên xét về các phương diện thì tỉnh ta phải thực hiện như là đã có ca bệnh rồi. Chính vì vậy, Sở Y tế đã tiến hành họp xác định một số công việc cần triển khai ngay. Đầu tiên là tăng cường quá trình giám sát và lấy mẫu tại cộng đồng. Đây là việc rất quan trọng để sàng lọc, tìm xem có ca bệnh nào xuất hiện trên địa bàn tỉnh để cách ly sớm nhất, không để cho bệnh lây lan. Thứ hai là tổ chức Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch và ký cam kết giữa Sở Y tế với UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết; đồng thời đề nghị UBND cùng các ban, ngành đoàn thể, đơn vị y tế của 15 huyện, thị xã, thành phố tổ chức chiến dịch diệt lăng quăng (bọ gậy) phòng chống muỗi đốt trong toàn dân vì đây là đường lây quan trọng nhất của bệnh do vi rút Zika. Thứ ba là tiến hành đợt truyền thông sâu rộng để mọi người dân có nhận thức đúng về mối nguy cơ, từ đó có hành động phòng chống dịch bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng một cách tốt nhất. Sở Y tế cũng đã chỉ đạo Trung tâm Chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tỉnh thực hiện ngay việc theo dõi mối liên quan nhiễm vi rút Zika với chứng đầu nhỏ tại các cơ sở sản nhi, nếu phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh phải thông báo ngay để có biện pháp xử lý kịp thời cho cả mẹ và con. Ngoài ra, ngành Y tế cũng chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phòng ốc để xử lý chống dịch và thực hiện điều trị khi có ca bệnh xảy ra trên địa bàn.
* Nhìn nhận từ dịch bệnh viêm não mô cầu, ngay sau khi có ca bệnh đầu tiên trên địa bàn, nhờ làm tốt công tác truyền thông và phòng dịch nên ngành Y tế đã xử lý, ngăn chặn kịp thời, không cho bệnh lây lan rộng. Với dịch bệnh do vi rút Zika, ông có thể cho biết công tác truyền thông được triển khai như thế nào?
Trong phòng chống dịch, truyền thông được xem là biện pháp quan trọng và căn bản nhất. Trước hết là tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, bởi đây được xem là kênh tuyên truyền lớn nhất và đưa lại hiệu quả cao. Còn tại các vùng khó khăn thì sử dụng hình thức truyền thông trực tiếp từ huyện đến xã và các thôn buôn làm sao chuyển tải được thông tin về bệnh Zika đến người dân ở những vùng này. Đặc biệt, chúng tôi cũng chú trọng truyền thông bằng nhiều thứ tiếng của các dân tộc trên địa bàn, trong đó tập trung vào 6 thứ tiếng của các dân tộc có dân số đông. Ngoài ra, ngành Y tế cũng phối hợp với các ban ngành đoàn thể trên địa bàn, nhất là Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Chữ thập đỏ để đưa thông tin đến với người dân nhanh nhất.
* Hiện nay, rất nhiều người, nhất là phụ nữ mang thai cảm thấy lo lắng trước những thông tin bệnh do vi rút Zika sẽ để lại những biến chứng nguy hiểm. Ở góc độ chuyên môn, ông có khuyến cáo gì với người dân trong phòng chống cũng như phát hiện bệnh?
Bệnh do vi rút Zika là bệnh truyền nhiễm cấp tính nhóm B do muỗi Aedes truyền, ngoài ra còn một số bằng chứng khác cho thấy vi rút có thể lây truyền qua đường máu, tình dục và từ mẹ sang con. Thời gian ủ bệnh từ 3 - 12 ngày, khoảng 80% trường hợp nhiễm vi rút không có biểu hiện triệu chứng, còn lại thường có biểu hiện sốt, phát ban và một số triệu chứng khác như đau cơ, nhức đầu, đau mắt. Hiện nay chưa có thuốc điều trị và vắc xin phòng bệnh. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều có khả năng hồi phục hoàn toàn. Đáng chú ý là bệnh do vi rút Zika có thể gây biến chứng rất nguy hiểm đối với thai nhi, nhất là trong 3 tháng đầu. Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng người dân không nên quá lo lắng mà hãy bình tĩnh hợp tác với ngành Y tế thực hiện phòng chống bệnh một cách hiệu quả thông qua những việc cụ thể như: vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, chuồng trại chăn nuôi và khu vực xung quanh; khơi thông cống rãnh, không để nước ứ đọng lâu; ngủ màn và phun hóa chất diệt muỗi, lăng quăng…
* Trong trường hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Zika, người dân có thể đến địa chỉ nào để làm xét nghiệm, thưa ông?
Khi có dấu hiệu nghi ngờ, người dân nên đến bệnh viện huyện để được khám, lấy mẫu để gửi lên tuyến trên làm xét nghiệm xác định có nhiễm vi rút Zika hay không. Hoặc trong trường hợp cần thiết, người dân cũng có thể đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đóng tại 72 Lê Duẩn (TP. Buôn Ma Thuột) để được khám, tư vấn và lấy mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý là không phải trường hợp nào cũng được lấy mẫu làm xét nghiệm tìm vi rút Zika, mà chỉ những trường hợp phát hiện có dấu hiệu nghi ngờ mới được lấy mẫu làm xét nghiệm, tránh tình trạng tập trung quá đông người, gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân.
*Xin cảm ơn ông!
Kim Oanh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc