Multimedia Đọc Báo in

Tự "làm mới mình" để phục vụ bạn đọc tốt hơn

14:37, 20/04/2016

Trước xu thế phát triển và sự bùng nổ thông tin, việc tiếp cận thông tin của bạn đọc đã có sự thay đổi nhất định. Điều này đặt ra nhiều thách thức đòi hỏi ngành Thư viện phải có những thay đổi để phù hợp với xu thế ấy. Hướng tới Ngày Sách Việt Nam (21-4), phóng viên Báo Đắk Lắk đã có buổi trao đổi với bà PHẠM THỊ KIM, Giám đốc Thư viện Đắk Lắk để làm rõ hơn vấn đề này.

*Thưa bà, với xu thế phát triển và sự bùng nổ thông tin, việc tiếp cận thông tin của độc giả ngày nay đã có những thay đổi nhất định. Vậy điều này có ảnh hưởng gì đến hoạt động của Thư viện không?

Trong bối cảnh công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ, hệ thống thư viện công cộng cả nước nói chung, Thư viện tỉnh Đắk Lắk nói riêng phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc thu hút độc giả. Sự phát triển nhanh, mạnh của công nghệ thông tin, thiết bị lưu trữ, hình thức phục vụ: truyền hình theo yêu cầu, Internet băng thông rộng, tài liệu đa phương tiện… đảm bảo cung cấp và đáp ứng nhu cầu thông tin một cách nhanh, gọn. Do vậy, nhu cầu tìm kiếm và cách tiếp cận thông tin của người đọc cũng có xu hướng thay đổi rõ rệt; trong khi đó việc cung cấp thông tin của Thư viện có lúc chưa đáp ứng được những yêu cầu vừa nêu. Có thể nói, đây là khó khăn nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi Thư viện phải có sự thay đổi tích cực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của bạn đọc.

*Vậy trong thời gian qua, Thư viện tỉnh đã có những đổi mới gì để thu hút bạn đọc tìm đến, thưa bà?

Thay vì như thư viện truyền thống trước đây, chúng tôi đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào tất cả các lĩnh vực hoạt động từ khâu nghiệp vụ cho đến các khâu phục vụ bạn đọc. Đến nay Thư viện Đắk Lắk được trang bị một hạ tầng thông tin tương đối hiện đại, gồm 2 máy chủ, 100 máy trạm (có khoảng hơn 70 máy cho bạn đọc sử dụng tra cứu) và rất nhiều thiết bị ngoại vi khác, có đường truyền cáp quang, phủ sóng wifi và phục vụ Internet miễn phí cho bạn đọc. Mặt khác, tất cả các sách hiện có của Thư viện hiện nay đều được đưa vào cơ sở dữ liệu và đưa lên website. Bạn đọc có thể đến Thư viện mượn trực tiếp, hoặc có thể nghiên cứu đọc từ xa, hoặc cũng có thể đăng ký mượn từ xa. Chúng tôi cũng có thể gửi tài liệu về tận nhà nếu bạn đọc có nhu cầu và Bưu điện sẽ thu phí dịch vụ.

*Thưa bà, hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam sắp tới, Thư viện tỉnh sẽ tổ chức những hoạt động gì để phục vụ và thu hút bạn đọc?

Đây là lần thứ ba Thư viện được tham gia trong việc tổ chức Ngày Sách Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Năm nay, theo kế hoạch của UBND tỉnh, chương trình dự kiến sẽ tổ chức khá quy mô với nhiều nội dung phong phú. Tại khuôn viên của Thư viện, dự kiến sẽ có 5 gian hàng của các nhà sách đứng chân trên địa bàn; trong đó sẽ giới thiệu và bán giảm giá nhiều loại sách. Riêng Thư viện tỉnh sẽ tổ chức một triển lãm trưng bày sách theo 3 chủ đề gồm: các tác phẩm của các tác giả Đắk Lắk, sách được giải, sách hay năm 2015; sách về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 126 năm ngày sinh của Bác và kỷ niệm 41 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ngoài ra nếu có thể, thì trong dịp này Thư viện cũng sẽ tập hợp trưng bày sách về bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp. Bên cạnh đó Bảo tàng tỉnh cũng sẽ tham gia trưng bày, triển lãm tại Thư viện các hình ảnh, tư liệu về chủ quyền biển đảo... Đặc biệt, ngày 22-4 tại Thư viện tỉnh sẽ diễn ra Ngày hội bạn đọc; trong đó sẽ giới thiệu với bạn đọc sơ lược nguồn lực thông tin, xu hướng phát triển của Thư viện; trao đổi thảo luận, ghi nhận những đóng góp ý kiến từ bạn đọc cho các hoạt động của Thư viện; đồng thời tổ chức tọa đàm về sách, giao lưu giữa các nhà văn, nhà thơ trong tỉnh với bạn đọc của Thư viện...

*Xin cảm ơn bà!

Phương Anh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.