Multimedia Đọc Báo in

UBND TP. Buôn Ma Thuột trả lời thư công dân

17:43, 23/04/2016

Vừa qua, Chuyên mục “Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời” đã nhận được câu hỏi của công dân với các nội dung liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, xây dựng trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Ông HUỲNH THỦ ĐÔ, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột đã có buổi làm việc với phóng viên Báo Đắk Lắk và trả lời các câu hỏi của công dân.

Ông Huỳnh Thủ Đô - Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột.
Ông Huỳnh Thủ Đô - Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột.

°Thưa ông, một bạn đọc chuyển đến Chuyên mục câu hỏi: “Hiện nay tôi không nắm được các quy hoạch khu dân cư của TP. Buôn Ma Thuột, vậy tôi có thể liên hệ với cơ quan nào để được biết cụ thể? Tôi có hộ khẩu ở tỉnh khác, hiện tại tôi có một mảnh đất nông nghiệp tại phường Tân Lợi, tôi muốn chuyển mục đích sử dụng đất và xây nhà thì cần đến đâu để được giải quyết và cần thực hiện các thủ tục như thế nào?

- Để biết được các quy hoạch của TP. Buôn Ma Thuột, ông (bà) có thể liên hệ tại UBND xã, phường nơi có đất cần biết thông tin về quy hoạch hoặc có thể truy cập vào trang thông tin điện tử của UBND TP. Buôn Ma Thuột để xem thông tin tại địa chỉ: buonmathuot.daklak.gov.vn.

Muốn chuyển mục đích sử dụng đất và xây nhà tại phường Tân Lợi, đề nghị ông (bà) liên hệ UBND phường Tân Lợi để được hướng dẫn lập hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp (đất ở đô thị), sau đó ông (bà) nộp hồ sơ tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND TP. Buôn Ma Thuột (số 5 đường Trần Hưng Đạo, TP. Buôn Ma Thuột) để được xem xét giải quyết theo quy định.

°Một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh hỏi: “Doanh nghiệp của tôi được UBND tỉnh Đắk Lắk cho thuê đất để triển khai dự án xây dựng khách sạn tại trục đường có chỉ giới xây dựng là 20 m, phường Tân An, TP. Buôn Ma Thuột. Xin hỏi thủ tục để xin Giấy phép xây dựng như thế nào? Tôi liên hệ tại đâu để làm thủ tục? Thời gian giải quyết thủ tục theo quy định là bao lâu?

- Đối với trường hợp cụ thể nêu trên, chúng tôi hướng dẫn như sau:

Về thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng: Nếu công trình khách sạn là công trình cấp đặc biệt, cấp I, cấp II xác định theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 03: 2012/BXD về nguyên tắc phân loại, phân cấp công trình dân dụng, công nghiệp (không phân biệt chỉ giới tuyến đường): thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng thuộc Sở Xây dựng Đắk Lắk. Nếu công trình khách sạn có cấp công trình dưới hoặc là cấp III, thẩm quyền cấp Giấy phép xây dựng thuộc UBND TP. Buôn Ma Thuột.

Về điều kiện cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị: Phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp dự án của đơn vị có diện tích nhỏ hơn 5 ha, thì không cần lập Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, có thể lập bản vẽ tổng mặt bằng 1/500, phương án kiến trúc công trình, giải pháp về hạ tầng kỹ thuật bảo đảm đấu nối phù hợp với khu vực xung quanh. Cơ quan thẩm định bản vẽ tổng mặt bằng 1/500: Sở Xây dựng Đắk Lắk; cơ quan có thẩm quyền phê duyệt bản vẽ tổng mặt bằng 1/500: UBND tỉnh.

Về thành phần hồ sơ cấp giấy phép xây dựng đối với công trình:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép xây dựng (theo mẫu, doanh nghiệp có thể vào trang thông tin điện tử của Sở Xây dựng Đắk Lắk để download mẫu đơn);

b) Bản sao một trong những giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai (1 bản photo có công chứng);

c) Bản sao quyết định phê duyệt dự án, quyết định đầu tư (1 bản chính);

d) Bản vẽ thiết kế xây dựng (2 bộ, do đơn vị có tư cách pháp nhân thực hiện);

đ) Bản kê khai năng lực, kinh nghiệm của tổ chức thiết kế, cá nhân là chủ nhiệm, chủ trì thiết kế xây dựng, kèm theo bản sao chứng chỉ hành nghề của chủ nhiệm, chủ trì thiết kế (1 bộ photo có công chứng).

Về thời gian giải quyết cấp Giấy phép xây dựng: 30 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ.

°Xin cảm ơn ông!

Lan Anh – Hoàng Gia (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.