Multimedia Đọc Báo in

"DÂN HỎI – THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN HÀNH CHÍNH TRẢ LỜI"

Sở Giáo dục và Đào tạo trả lời thư công dân

08:55, 30/07/2016

Vừa qua, Chương trình “Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời” đã nhận được câu hỏi, phản ánh của công dân với các nội dung liên quan đến công tác của ngành Giáo dục. Ông PHẠM ĐĂNG KHOA, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã trả lời các câu hỏi của công dân như sau:

°Một số phụ huynh học sinh ở TP. Buôn Ma Thuột hỏi: Tại sao năm trước Trường THCS Phan Chu Trinh xét tuyển theo học bạ đối với học sinh của toàn TP. Buôn Ma Thuột, năm nay chỉ xét tuyển học sinh ở một số khu vực?

- Kế hoạch tuyển sinh lớp 6 THCS do Phòng Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho UBND huyện, thị xã, thành phố phê duyệt để thực hiện, trong đó có việc phân tuyến địa bàn để tuyển sinh.

Việc Trường THCS Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) tổ chức xét tuyển sinh là đúng quy định trong tuyển sinh. Năm học 2015-2016 Trường THCS Phan Chu Trinh tuyển sinh theo phương thức xét tuyển theo học bạ đối với học sinh toàn TP. Buôn Ma Thuột, nhưng năm nay chỉ xét tuyển học sinh ở một số khu vực là một sự cân nhắc của UBND thành phố sao cho việc tuyển sinh được công bằng, khách quan đối với các trường THCS trên địa bàn. Tuy nhiên, điều này cũng có mặt hạn chế, đó là chất lượng giáo dục của trường có khả năng sẽ không duy trì được như các năm trước; việc tạo nguồn học sinh giỏi cho thành phố có hạn chế bởi đầu vào không tiến hành tổ chức thi tuyển...

°Theo phản ảnh của nhiều phụ huynh, mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quy định không dạy thêm đối với học sinh tiểu học nhưng thực tế việc dạy thêm vẫn diễn ra. Với vai trò quản lý trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo, Sở sẽ có những giải pháp gì để chấn chỉnh thực trạng này?

- Đây đúng là một vấn đề khá nan giải đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, không chỉ riêng với Đắk Lắk mà các tỉnh thành khác đều có tình trạng này.

Để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm, đặc biệt ở bậc tiểu học, thời gian tới, Sở tiếp tục tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ huynh học sinh và cộng đồng, đội ngũ giáo viên chấp hành tốt Chỉ thị 5105 ngày 3-11-2014 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc “Chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học”; phối hợp với địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là sự phối hợp giữa ngành Giáo dục, chính quyền địa phương các cấp và nhân dân để tạo sự đồng thuận, phối hợp trong việc kiểm soát, xử lý tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định. Thực hiện nghiêm chế tài xử phạt cụ thể đối với những mức độ vi phạm của cá nhân và tập thể tổ chức dạy thêm, học thêm. Ngoài ra, ngành Giáo dục cũng tiếp tục thực hiện các giải pháp khác nhằm nâng cao chất lượng giáo dục học sinh như: Nâng cao tỷ lệ dạy học tăng buổi, dạy học 2 buổi/ngày; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cũng như rèn luyện phẩm chất đạo đức nhà giáo; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đổi mới đánh giá học sinh, đổi mới phương pháp dạy học; điều chỉnh, giảm tải nội dung chương trình theo quan điểm tiếp cận mục tiêu giáo dục tiểu học là phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất cho học sinh...

Lan Anh – Hoàng Gia (thực hiện)
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.