Muốn giảm thiểu tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, mấu chốt là thay đổi nhận thức của người dân
10:37, 11/07/2016
Đắk Lắk hiện nằm trong số những tỉnh, thành có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống cao trong cả nước. Mặc dù các ngành chức năng đã có nhiều biện pháp, song tình trạng này vẫn đang diễn biến phức tạp tại một số địa phương trong tỉnh. Để giúp bạn đọc nắm bắt vấn đề, Báo Đắk Lắk đã có cuộc trò chuyện với Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình MAI VĂN PHÁN xoay quanh nội dung này.
• Ông có thể cho biết đôi nét về tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trên địa bàn tỉnh?
Tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trên địa bàn tỉnh đang là vấn đề rất được quan tâm. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2009 đến 2015, toàn tỉnh có 70.531 cặp kết hôn, trong đó, có 1.090 trường hợp tảo hôn, 44 trường hợp kết hôn cận huyết thống. So với mặt bằng chung của cả nước, Đắk Lắk là một trong những tỉnh có tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống tương đối cao.
Tảo hôn và kết hôn cận huyết thống sẽ để lại hệ lụy lâu dài cho gia đình, xã hội. Tảo hôn sẽ khiến cho nhiều người mất đi cơ hội học tập, làm việc, giảm chất lượng dân số và sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Còn kết hôn cận huyết thống lại ảnh hưởng nghiêm trọng đến giống nòi, giảm phát triển trí tuệ, chất lượng dân số cũng như nguồn lực lao động của xã hội.
•Được biết, từ năm 2009, Đắk Lắk đã triển khai mô hình giảm thiểu tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Vậy, mô hình có tác động như thế nào đến việc cải thiện tình trạng này trên địa bàn tỉnh, thưa ông?
Từ năm 2009 đến nay, mô hình can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đã được triển khai tại 8 huyện, 39 xã trong toàn tỉnh. Mô hình này tác động đến 5 đối tượng (các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội; những người có uy tín trong cộng đồng; phụ huynh học sinh, cha mẹ của nam nữ thanh niên trong độ tuổi vị thành niên; thanh niên và vị thành niên từ 10-24 tuổi; nhóm phụ nữ đã tảo hôn, kết hôn cận huyết thống) với mục tiêu nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của xã hội, cộng đồng trong thực hiện các quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình; tạo sự đồng thuận trong xã hội nhằm ngăn ngừa tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực của địa phương. Quá trình triển khai mô hình, bước đầu cũng đã mang lại những hiệu quả nhất định, tỷ lệ tảo hôn, kết hôn cận huyết thống đã có chiều hướng thuyên giảm qua từng năm. Song, trên thực tế, công tác tuyên truyền làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống vẫn gặp khó khăn do đồng bào dân tộc thiểu số di cư đến tỉnh nhiều và mang theo nhiều phong tục, tập quán, trong đó có tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; cơ sở hạ tầng, phương tiện thông tin đại chúng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu thốn, người dân ở những khu vực này sống co cụm trong thôn, buôn, ít có cơ hội tiếp cận với các vùng có điều kiện văn hóa-xã hội phát triển.
• Trước những khó khăn trên, để mô hình được triển khai có hiệu quả và mở rộng địa bàn trong thời gian tới, những giải pháp Chi cục đề ra là gì, thưa ông?
Nhìn nhận một cách khách quan thì một trong những hoạt động mang lại hiệu quả nhất trong việc can thiệp giảm tảo hôn, kết hôn cận huyết thống là tuyên truyền, giáo dục tại cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số về những vấn đề liên quan đến hôn nhân, gia đình, hậu quả của việc tảo hôn và kết hôn cận huyết thống. Vì vậy, hiện nay, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đang tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng Đề án can thiệp làm giảm tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống giai đoạn 2015-2020, tầm nhìn 2025, trong đó tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các nhóm đối tượng; chú trọng cải thiện điều kiện kinh tế, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để người dân có cơ hội giao lưu với những vùng có điều kiện văn hóa-xã hội phát triển.
Tôi nghĩ rằng, để hướng tới mục tiêu đẩy lùi tảo hôn, kết hôn cận huyết thống trên địa bàn thì truyền thông thay đổi nhận thức của người dân là giải pháp quan trọng. Do đó, thời gian tới, cần có sự phối hợp chặt chẽ của cấp ủy Đảng, chính quyền, các đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội cùng với đội ngũ những người làm công tác dân số đẩy mạnh công tác truyền thông đến các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ đa dạng hóa các hoạt động truyền thông từ tuyên truyền trên hệ thống thông tin đại chúng cho đến truyền thông trực tiếp, vận động các nhóm đối tượng; quan tâm thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe thanh niên, vị thành niên; tăng cường các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Kim Oanh – Nguyễn Xuân
(thực hiện)
Ý kiến bạn đọc