Multimedia Đọc Báo in

Ngành Tài chính tiếp tục nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp

07:11, 02/07/2016

Để thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020. Và để hiện thực hóa Nghị quyết này, mới đây Bộ Tài chính ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP. Để hiểu rõ hơn về chương trình hành động này, Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Trưởng Phòng Tài chính doanh nghiệp (Sở Tài chính) TRẦN KHÁNH THƠ về vấn đề này.

* Xin ông cho biết những nội dung nổi bật trong chương trình hành động của Bộ Tài chính?

Ngày 26-5-2016 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Trên tinh thần đó, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1239/QĐ-BTC về Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP, nhằm thống nhất từ nhận thức đến hành động trong toàn ngành Tài chính. Từ đó đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển kinh tế theo chiều sâu, hỗ trợ DN. Những nội dung chính nổi bật trong Chương trình hành động của Bộ Tài chính đó là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính; bảo đảm quyền kinh doanh, tiếp cận nguồn lực của DN; giảm chi phí kinh doanh cho DN...

* Theo ông, Chương trình hành động này sẽ có tác động ra sao đến cộng đồng DN Đắk Lắk?

Chương trình hành động này sẽ có tác động tích cực đến cộng đồng DN nói chung và cộng đồng DN Đắk Lắk nói riêng. Bản thân tên gọi của Nghị quyết 35/NQ-CP và Chương trình hành động của Bộ Tài chính là hỗ trợ và phát triển DN đã nói lên tất cả, tạo nên sự quan tâm, phấn khởi của cộng đồng DN trong tỉnh, tạo hiệu ứng tâm lý tốt cho các DN, các nhà đầu tư. Mục tiêu của Chương trình hành động là tháo gỡ khó khăn về thuế cho DN ngay trong năm 2016, giảm thuế thu nhập cá nhân và thu nhập DN; giảm chi phí kinh doanh cho DN; tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo; cải cách thủ tục hành chính trong các lĩnh vực tài chính, thuế, hải quan; minh bạch hóa, công khai hóa các quy trình giải quyết của các cơ quan Nhà nước như Thuế, Hải quan, Kho bạc…Thực hiện được những nội dung trên sẽ tạo niềm tin lớn của cộng đồng DN đối với chính quyền địa phương. Tuy nhiên, bản thân DN cũng cần phải chủ động, nỗ lực cố gắng chứ không chỉ trông chờ sự hỗ trợ của địa phương, của Chính phủ, các bộ, ngành.

* Để thực hiện tốt Chương trình hành động, ngành Tài chính tỉnh cần phải thực hiện những công việc gì trong thời gian tới, thưa ông?

Tôi khẳng định, Ngành Tài chính tỉnh sẽ nỗ lực hết mình để hỗ trợ DN. Trước hết, sẽ khẩn trương cụ thể hóa, xây dựng Chương trình công tác của ngành Tài chính tỉnh. Trong đó tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng liên quan trực tiếp đến việc hỗ trợ DN là tài chính, thuế và hải quan. Tiến hành rà soát các quy trình thủ tục giải quyết trên các lĩnh vực thuế, hải quan, tài chính…Từ đó điều chỉnh, bổ sung theo hướng đơn giản hóa, minh bạch và giảm thời gian giải quyết các thủ tục. Đổi mới, nâng cao chất lượng các lần gặp mặt DN trong năm. Đặc biệt, muốn thành công thì trong quá trình thực hiện, nhất thiết phải có biện pháp giám sát việc thực hiện những cam kết cải cách của các cơ quan như Tài chính, Thuế, Hải quan; phải có một đơn vị thực hiện công tác báo cáo định kỳ tháng, quý, năm về những kết quả đạt được, những vướng mắc cần xử lý trong quá trình thực hiện lộ trình Chương trình công tác hỗ trợ DN.

* Xin cảm ơn ông!

  Giang Nam  (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.