"Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời"
Sở Tư pháp trả lời thư công dân
Vừa qua, Chương trình “Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời” đã nhận được câu hỏi, phản ánh của công dân với các nội dung liên quan đến thủ tục hành chính trong lĩnh vực Tư pháp. Ông NGUYỄN MINH THUẬN, Giám đốc Sở Tư pháp đã trao đổi với phóng viên Báo Đắk Lắk về các nội dung này như sau:
Giám đốc Sở Tư pháp Nguyễn Minh Thuận. |
• Thưa ông, một số người dân phản ảnh: Trong thời gian qua, nhiều văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của tỉnh ban hành vẫn còn một số hạn chế dẫn đến việc áp dụng gặp vướng mắc, phải sửa đổi hoặc bãi bỏ. Ông có thể cho biết rõ hơn vấn đề này?
- Thời gian qua, Sở Tư pháp cùng các sở, ban, ngành đã cố gắng nâng cao chất lượng ban hành văn bản QPPL, tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế.
Trước hết phải khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung hay bãi bỏ văn bản QPPL là một hoạt động được pháp luật quy định nhằm kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội. Vì trên thực tế các quan hệ xã hội luôn vận động, đặc biệt là các quan hệ dân sự - kinh tế mà pháp luật chưa kịp thời điều chỉnh hoặc chưa phản ảnh kịp so với sự vận động của đời sống xã hội; mặt khác, phải thẳng thắn thừa nhận chất lượng ban hành văn bản QPPL chưa cao, vẫn còn các quy định chồng chéo, thiếu tính khả thi… Do vậy, việc thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện những nội dung không phù hợp để sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ là yêu cầu đặt ra trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản QPPL.
• Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được các cấp, ngành và địa phương trong tỉnh chú trọng, nhưng tình trạng vi phạm pháp luật vẫn thường xảy ra, nhất là những vi phạm hành chính. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Sở Tư pháp sẽ làm gì để góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân, thưa ông?
- Phổ biến, giáo dục pháp luật là khâu đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật, có vai trò quan trọng trong việc tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.
Với tư cách là cơ quan chuyên môn tham mưu cho UBND tỉnh quản lý nhà nước về công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; đồng thời là Cơ quan Thường trực của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Sở Tư pháp xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như sau: Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật; tiếp tục quán triệt Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của luật này. Chú trọng đổi mới hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật với phương châm hướng về cơ sở, phục vụ cơ sở; lựa chọn nhóm đối tượng đặc thù để có hình thức tuyên truyền thích hợp; đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động tuyên truyền pháp luật. Củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật. Tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đảm bảo nguồn lực (nhân lực và kinh phí) để thực hiện có hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.
• Thưa ông, một người dân chuyển đến Chương trình câu hỏi: Khi thực hiện giao dịch, nhiều trường hợp người dân nộp các giấy tờ bản sao được chứng thực từ bản chính, nhưng một số cơ quan, đơn vị vẫn yêu cầu phải nộp bản chính để đối chiếu; khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện xuất trình bản sao giấy đăng ký xe được chứng thực nhưng không được chấp nhận. Xin ông cho biết giá trị pháp lý của các giấy tờ được chứng thực? Việc các cơ quan, đơn vị yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu có vi phạm?
- Khoản 2, Điều 3, Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16-2-2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch quy định: “Bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Căn cứ vào quy định trên thì bản sao được chứng thực từ bản chính có giá trị sử dụng thay cho bản chính, các cơ quan, đơn vị không được yêu cầu bản chính để đối chiếu nếu pháp luật không có quy định khác.
Đối với trường hợp tham gia giao thông, theo quy định tại khoản 2, Điều 58, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì “Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo giấy đăng ký xe”; đồng thời theo Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thì người điều khiển các phương tiện giao thông nếu không mang theo giấy đăng ký xe sẽ bị xử phạt. Ở đây giấy đăng ký xe phải được hiểu là bản chính.
Lan Anh – Hoàng Gia (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc