Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường tuyên truyền, vận động mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện

06:42, 13/08/2016

Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện được triển khai từ năm 2008 nhưng sau 8 năm thực hiện, số người trên địa bàn tỉnh tham gia còn ít. Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với bà NGUYỄN THỊ XUÂN, Phó Giám đốc BHXH tỉnh xung quanh vấn đề này.

°Đến nay trên địa bàn tỉnh mới có trên 1.400 người tham gia BHXH tự nguyện. Số lượng này còn thấp hơn rất nhiều so tiềm năng. Vậy theo bà đâu là nguyên nhân?

Tính đến 31-7-2016, toàn tỉnh mới chỉ có 1.463 người tham gia BHXH tự nguyện. Đây là những người đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo luật quy định nên tham gia BHXH tự nguyện chứ chưa có trường hợp nào tham gia từ đầu.

Nguyên nhân cơ bản nhất là do công tác tuyên truyền còn một số hạn chế, chưa phù hợp với các nhóm đối tượng, người dân nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa tiếp cận được chính sách BHXH tự nguyện. Hơn nữa, do cuộc sống còn nhiều khó khăn, người dân phải lo mưu sinh hằng ngày nên chưa quan tâm nhiều đến việc tham gia BHXH tự nguyện để lo cho tuổi già của mình. Thêm vào đó, thời gian đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ là 20 năm nên người lao động khó có khả năng tham gia. Một nguyên nhân nữa là chính sách BHXH tự nguyện chưa thực sự hấp dẫn.

°“Chưa hấp dẫn” là vì tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ được hưởng hai chế độ là hưu trí và tử tuất, trong khi BHXH bắt buộc được hưởng 5 chế độ. Bà có thể nói rõ hơn về điều này?

Nguyên tắc của BHXH là mức hưởng dựa trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng BHXH. Theo đó, quy định người sử dụng lao động nếu sử dụng lao động theo hợp đồng từ đủ 3 tháng trở lên thì bắt buộc hằng tháng phải trích từ tổng quỹ tiền lương của đơn vị và của từng người lao động để đóng BHXH cho người lao động vào quỹ BHXH bắt buộc gồm: ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hưu trí và tử tuất nên được hưởng 5 chế độ BHXH như quy định hiện hành. Đối với BHXH tự nguyện quy định người lao động tự nguyện đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tương ứng sẽ được hưởng hai chế độ này là đúng nguyên tắc. Để được hưởng tất cả các chế độ như đối với BHXH bắt buộc thì người lao động phải đóng vào các quỹ tương ứng như trên. Hiện nay, Luật chưa quy định điều này và nếu có quy định thì sẽ làm tăng mức đóng góp của người lao động dẫn đến khả năng đóng BHXH tự nguyện của người lao động sẽ càng khó khăn. Nên chăng Nhà nước có quy định về mức đóng - hưởng và hỗ trợ phù hợp để người tham gia BHXH tự nguyện cũng được hưởng các quyền lợi như BHXH bắt buộc thì sẽ thu hút mọi người tham gia.

Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Thị Xuân (đứng giữa) tư vấn về chính sách BHXH tự nguyện
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Thị Xuân (đứng giữa) tư vấn về chính sách BHXH tự nguyện

°Luật BHXH sửa đổi năm 2014 có hiệu lực thi hành từ 1-1-2016 đã có quy định như thế nào để thu hút người lao động tham gia BHXH tự nguyện?

Luật BHXH năm 2014 đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện đến mọi công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên mà không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc. Hạ mức thu nhập làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện tính trên mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn chứ không phải quy định bằng mức lương cơ sở như Luật BHXH năm 2006. Phương thức đóng BHXH tự nguyện linh hoạt hơn cho người tham gia được lựa chọn đóng hàng tháng, 3 tháng một lần, 6 tháng một lần, 12 tháng một lần, đóng một lần cho nhiều năm về sau với mức thấp hơn mức đóng hàng tháng hoặc đóng một lần cho những năm còn thiếu. Đồng thời, Luật BHXH năm 2014 cũng quy định căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để quy định mức hỗ trợ, đối tượng hỗ trợ và thời điểm thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH cho người lao động thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng còn lại khi tham gia BHXH tự nguyện.

°Thưa bà, để tăng số người tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, cần triển khai những biện pháp gì?

Thời gian tới, BHXH tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tiếp tục ký quy chế phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh, các tổ chức đoàn thể nhằm đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, đưa chính sách này tới tận đối tượng đích, nhất là những người đã tham gia BHXH bắt buộc để họ không nhận chế độ 1 lần mà tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, chỉ đạo BHXH các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, tổ chức đối thoại với người dân và giao chỉ tiêu cụ thể cho từng đơn vị. Bên cạnh trách nhiệm của ngành BHXH, các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội cùng vào cuộc, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chính sách, chế độ BHXH tự nguyện để mọi tầng lớp nhân dân hiểu được tính nhân văn của chính sách này và tự nguyện tham gia.

Nguyễn Xuân (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.