Tiến sĩ Tuyết Nhung Buôn Krông: Giữ tính "thiêng" trong lễ hội khi đưa vào phục vụ du lịch
Ngành Văn hóa Đắk Lắk đang tiến hành xây dựng Dự án Điều tra, khảo sát và chọn lọc các lễ hội cổ truyền tiêu biểu của các dân tộc thiểu số tại chỗ nhằm đưa vào phục vụ hoạt động du lịch. Và một khi lễ hội được coi là sản phẩm du lịch thì điều gì sẽ xảy ra giữa bảo tồn và phát triển vốn văn hóa của các tộc người ở đây? PV Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này với Tiến sĩ TUYẾT NHUNG BUÔN KRÔNG (Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn - Trường ĐH Tây Nguyên)
Tiến sĩ Tuyết Nhung Buôn Krông. |
•Bà nhìn nhận thế nào khi lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk được đưa vào phục vụ du lịch?
Theo tôi là rất tốt, bởi thông qua “kênh” du lịch, giá trị và bản sắc văn hóa của các tộc người ở đây được nhiều người biết đến. Hay nói cách khác, đó là cơ hội, điều kiện để giới thiệu và quảng bá rộng rãi giá trị, bản sắc văn hóa của các dân tộc thiểu số tại chỗ. Điều quan trọng nhất là người làm du lịch phải thật sự hiểu biết sâu sắc và tường tận về văn hóa lễ hội của các dân tộc thiểu số tại chỗ, để khi đưa vào phục vụ du khách như những sản phẩm du lịch khác vẫn giữ cho được tính “thiêng” của nó.
Có thể nói, trong các loại hình di sản văn hóa phi vật thể, thì lễ hội truyền thống được xem là một loại hình di sản tiêu biểu mang tính tổng thể. Trong đó nổi bật các đặc trưng chủ yếu: Thứ nhất, lễ hội truyền thống là một dạng sinh hoạt tín ngưỡng tâm linh; thể hiện tính cố kết (sức mạnh) cộng đồng; giáo dục tinh thần dân tộc; tổ chức sinh hoạt nghệ thuật dân gian và phát triển văn hóa dân gian... Thứ hai, hoạt động lễ hội truyền thống không chỉ là không gian bảo tồn văn hóa dân gian mà còn hướng đến việc phổ biến, phát huy các giá trị của các loại hình di sản văn hóa như: tín ngưỡng, phong tục tập quán, ẩm thực, trang phục, dân ca - dân vũ, cồng chiêng của người Tây Nguyên.
Khi quan sát kỹ quy trình tổ chức lễ hội - nếu như phần lễ thể hiện quan niệm của cộng đồng về tín ngưỡng, tâm thức hướng về cội nguồn thì trong phần hội các hoạt động mang tính gắn kết cộng đồng, biểu trưng sức mạnh, thể hiện tâm tư, tình cảm của cộng đồng. Tính “thiêng” qua phần lễ gắn với tín ngưỡng, lịch sử - văn hóa, tác động đến ứng xử, quan niệm của cộng đồng với môi trường cư trú. Hội là “phần đời”- nơi giải tỏa tâm lý, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa, đáp ứng yêu cầu hội nhập của cộng đồng. Các giá trị văn hóa ấy lại được trao truyền và quay trở lại tác động đến tâm tư, tình cảm, nhận thức của người tham gia lễ hội.
Tôi nghĩ, qua “kênh” du lịch, sự lan tỏa này không chỉ dừng lại trong phạm vi chủ thể di sản mà còn tác động đến nhận thức, tình cảm du khách tham gia lễ hội. Một điều chắc chắn rằng, các lễ hội như hiến trâu, cúng bến nước, bỏ mả, lễ kết nghĩa… đi cùng với vũ điệu cồng chiêng, trở thành điểm nhấn khó quên đối với du khách thập phương khi tham gia lễ hội. Với chức năng và vị trí quan trọng đó, lễ hội truyền thống ở đây hoàn toàn xứng đáng để chúng ta bảo tồn và phát huy giá trị của nó thông qua hoạt động kinh tế du lịch. Điều đó sẽ đáp ứng được phần nào mục tiêu bảo tồn văn hóa song song với phát triển kinh tế cho cộng đồng các dân tộc ở Tây Nguyên theo hướng bền vững hơn
• Trên thực tế, lễ hội truyền thống của các dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk đã được không ít doanh nghiệp khai thác, phục vụ du khách, nhưng có một số lễ hội đã bị “bóp méo”, không còn mang tính chân thực vốn có nữa. Theo bà, cần làm gì để khắc phục tình trạng này?
Đúng là có tình trạng đó! Do chạy theo mục tiêu kinh doanh, lợi nhuận nên không ít đơn vị làm du lịch đã bất chấp, không tham vấn cộng đồng-chủ thể vốn văn hóa ấy, mà tự mình đứng ra “đạo diễn”, rồi đóng luôn vai trò “ông bầu” khiến bản chất đích thực của lễ hội truyền thống ở đây thay đổi theo hướng không tích cực, hay nói như nhà báo là bị “bóp méo”, dẫn tới việc du khách hiểu không đúng giá trị, bản sắc vốn có của lễ hội trong đời sống văn hóa các tộc người ở Tây Nguyên.
Vì thế, theo tôi giữa hai bên: chủ thể văn hóa và người làm du lịch cần hiểu nhau hơn để tìm đến sự hài hòa trong bảo tồn-phát triển. Trong mọi hoạt động lễ hội, kể cả khi nó là sản phẩm du lịch thì cũng phải đặt vị trí chủ thể vốn văn hóa đó lên hàng đầu và phải giữ cho được tính “thiêng” trong lễ hội. Dĩ nhiên, giữ được tính “thiêng” này, ngoài chủ thể văn hóa ấy ra không ai thay thế thực hành được.
•Bà đánh giá thế nào về tiềm năng của loại hình du lịch này?
Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng tiềm năng du lịch lễ hội là rất lớn, dồi dào và đặc biệt là rất đa dạng. Vấn đề là cần phải khẩn trương sưu tầm, khảo sát một cách tổng thể các lễ hội truyền thống còn tồn tại; xác định nội hàm, giá trị, vai trò của chúng một cách có hệ thống và khoa học. Trên cơ sở đó, lựa chọn các lễ hội tiêu biểu, phù hợp xây dựng tư liệu lưu trữ để làm cơ sở cho việc phục dựng, tái hiện và khai thác giá trị văn hóa chứa đựng trong đó nhằm phục vụ cho ngành kinh tế du lịch.
Cụ thể là nên khảo sát, nghiên cứu bảo tồn, phát huy giá trị, bản chất, ý nghĩa của các lễ hội: cúng lúa mới, cúng bến nước, lễ kết nghĩa, cúng đất làng, cúng sức khỏe, cầu mưa... tại một số địa phương nằm trong vùng (dự án) du lịch để có thể nhanh chóng hiện thực hóa ý tưởng, mục tiêu đặt ra. Một khi ý tưởng ấy trở thành hiện thực thì thông qua các chương trình du lịch với lễ hội truyền thống, du khách sẽ hiểu hơn về con người và vùng đất giàu bản sắc này. Từ đó dần hình thành suy nghĩ, thái độ ứng xử phù hợp với các nguyên tắc của văn hóa Tây Nguyên. Hơn nữa, một khi di sản lễ hội truyền thống được phát triển cũng đồng nghĩa với việc phát triển du lịch bền vững, tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi để chủ thể di sản văn hóa ấy tham gia, tạo thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho các cộng đồng dân tộc có mặt ở đây.
Đình Đối (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc