Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường các biện pháp bảo vệ rừng

14:46, 13/11/2016

Chỉ tính trong tháng 10-2016, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã phát hiện, xử lý 126 vụ vi phạm lâm luật; tịch thu 168,142 m3 gỗ các loại và 24 phương tiện vi phạm, xử lý nộp ngân sách 2,27 tỷ đồng. Con số này cho thấy thực trạng vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng đang có diễn biến rất phức tạp.

Trước tình hình đó, Báo Đắk Lắk đã có cuộc phỏng vấn ông NGUYỄN ĐỨC VIỆT, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh xung quanh công tác quản lý bảo vệ rừng.

°Thời gian qua, tình hình vi phạm lâm luật đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Trước hết phải khẳng định, tình hình vi phạm lâm luật diễn biến phức tạp một phần là do trách nhiệm quản lý của các chủ rừng, đơn vị được giao đất rừng để thực hiện dự án trồng rừng chưa cao, dẫn đến tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái pháp luật. Bên cạnh đó, vai trò tham mưu của kiểm lâm cơ sở, nhất là kiểm lâm địa bàn trong việc ngăn chặn, xử lý vi phạm tại chỗ vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Nhiều vụ vận chuyển gỗ trái phép bị bắt giữ với số lượng rất lớn nhưng hầu hết chỉ xử lý đối với lái xe và tang vật vi phạm; chưa xác minh, xử lý được chủ gỗ nên chưa giải quyết được tận gốc vấn đề... Ngoài ra, còn một nguyên nhân nữa là nhiều công ty TNHH MTV lâm nghiệp gặp nhiều khó khăn về kinh phí nên chưa làm tốt công tác quản lý và bảo vệ rừng; không đủ lực lượng, phương tiện để tự bảo vệ rừng trên lâm phần được giao, một số thiếu kiểm tra, buông lỏng quản lý...

°Trước thực trạng đó, ngành Kiểm lâm đã triển khai những biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng lâm tặc “lộng hành”, thưa ông?

Thực hiện Chỉ thị 1685/TTg của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 03/CT-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh triển khai đến các đơn vị trực thuộc và đã đạt được một số kết quả như: Hạt Kiểm lâm huyện Ea H’leo đã tham mưu cho chính quyền các cấp tổng hợp, thống kê các cơ sở đốt than và ra quân phá bỏ 135 lò than trái phép trên địa bàn; Đoàn 2257 huyện Krông Búk đã tiến hành kiểm tra, hướng dẫn các xã lập biên bản vi phạm hành chính đối với các đối tượng lấn chiếm đất lâm nghiệp…

Hiện Chi cục Kiểm lâm tỉnh đang phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm soát chặt chẽ tại các điểm nóng để quản lý, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép. Đối với những đơn vị để xảy ra tình trạng phá rừng, lãnh đạo Chi cục cũng đã trực tiếp làm việc và chỉ đạo cụ thể, yêu cầu làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong vấn đề này.

Bên cạnh đó, để tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, quản lý bảo vệ rừng, Chi cục cũng đã hướng dẫn các Hạt kiểm lâm tham mưu cho UBND các địa phương tổ chức các tổ cơ động để tăng cường công tác kiểm tra tại một số điểm nóng, các cung đường mà lâm tặc sử dụng để vận chuyển gỗ…

Nguyễn Gia (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.