Multimedia Đọc Báo in

Chương trình "Dân hỏi - Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời":

Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm

09:04, 04/06/2017

Trong Chương trình “Dân hỏi - Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời” mới đây với chủ đề “Vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh”, anh Y NHUÂN BYĂ, Bí thư Tỉnh Đoàn đã trả lời một số nội dung bạn đọc quan tâm.

°Đào tạo nghề và giải quyết việc làm luôn được các cấp bộ Đoàn chú trọng. Vậy thời gian qua, Tỉnh Đoàn đã có những việc làm cụ thể nào để giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp?

Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã tăng cường công tác tuyên truyền định hướng nghề nghiệp trong thanh niên như: tư vấn, giới thiệu việc làm; chọn nghề và học nghề phù hợp thông qua các diễn đàn tư vấn nghề nghiệp, việc làm và các kênh truyền thông của tổ chức Đoàn, đặc biệt là trên hệ thống loa truyền thanh của xã, phường, thị trấn. Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn còn chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đoàn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tạo cơ hội việc làm tại chỗ cho thanh niên; tặng sổ tiết kiệm; ưu tiên giải quyết vốn vay do Đoàn quản lý nhằm giúp thanh niên phát triển kinh tế. Đặc biệt phối hợp với ngành Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TBXH) mở các lớp dạy nghề sửa chữa nông cơ, tin học ứng dụng, may, thú y, sửa chữa xe gắn máy… cho hàng ngàn đoàn viên thanh niên; kết quả có hơn 3.500 lượt thanh niên tìm kiếm được việc làm. Riêng đối với sinh viên, hằng năm Tỉnh Đoàn đều tổ chức gặp mặt sinh viên dân tộc thiểu số có kết quả học tập tốt để động viên, khích lệ. Năm 2016, những sinh viên dân tộc thiểu số tiêu biểu chuẩn bị tốt nghiệp vinh dự được Tỉnh ủy gặp để nghe báo cáo thành tích học tập, cũng như đề đạt nguyện vọng sau khi ra trường…

Bí thư Tỉnh Đoàn Y NHUÂN BYĂ
Bí thư Tỉnh Đoàn Y Nhuân Byă.

°Cuối tháng 3-2017, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Bộ LĐ-TBXH đã ký kết chương trình phối hợp giai đoạn 2017-2020, trong đó có nội dung giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm. Đối với tỉnh Đắk Lắk, chương trình này được Tỉnh Đoàn và ngành LĐ-TBXH phối hợp thực hiện như thế thế nào, thưa anh?

Hằng năm, Tỉnh Đoàn và Sở LĐ - TBXH đều ký kết chương trình phối hợp, trong đó có nội dung đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh thiếu niên. Sau khi Trung ương Đoàn và Bộ LĐ - TBXH ký kết chương trình phối hợp, hai đơn vị đã xây dựng dự thảo chương trình phối hợp theo giai đoạn và sẽ ký kết trong thời gian tới. Hiện tại, chúng tôi đang thực hiện theo chương trình ký kết năm 2017 với một số nhiệm vụ cụ thể: tư vấn, giới thiệu việc làm cho thanh niên nông thôn, sinh viên và thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự; tổ chức từ 2 đến 3 đợt tuyển dụng lao động; tổ chức sàn giao dịch việc làm ở cấp tỉnh và cấp huyện; tổ chức 15 - 20 lớp đào tạo nghề cho thanh niên…

°Một vấn đề độc giả quan tâm là hiện nay, có không ít thanh niên phải đi làm ăn xa; sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng thất nghiệp. Là thủ lĩnh Đoàn thanh niên, anh có trăn trở gì và làm thế nào để giúp thanh niên tự lập thân, khởi nghiệp?

Tỉnh Đoàn xác định trách nhiệm của tổ chức Đoàn trong thời gian tới không chỉ đồng hành mà phải có những việc làm cụ thể để giúp thanh thanh niên lập thân, khởi nghiệp. Cụ thể là tiếp tục làm tốt vai trò cầu nối để hỗ trợ thanh niên tiếp cận chủ trương, chính sách, cơ hội trong quá trình khởi nghiệp như: tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, thành lập các tổ hùn vốn, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên phát triển kinh tế, thu hút nhân lực có trình độ tham gia tổ chức Đoàn, rà soát ĐVTN có nhu cầu học ngoại ngữ, đi xuất khẩu lao động nhằm giới thiệu việc làm… Đặc biệt là đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của thanh niên về khởi nghiệp. Với vai trò, trách nhiệm của mình, tổ chức Đoàn sẽ tham mưu, đề xuất với các ngành liên quan quan tâm hơn đến việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp, nhất là sinh viên dân tộc thiểu số tại chỗ để phục vụ tại địa phương.

°Xin cảm ơn anh!

Nguyên Hoa (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.