Multimedia Đọc Báo in

"Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời":

Sự vào cuộc của ngành Công an đối với tình trạng xâm phạm tài nguyên rừng

09:42, 30/06/2017
Tài nguyên rừng ở Đắk Lắk đã và đang bị xâm phạm nghiêm trọng, tác động lớn đến môi trường. Trong chương trình “Dân hỏi - Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời” tháng 6-2017, Đại tá ĐOÀN QUỐC THƯ, Phó Giám đốc Công an tỉnh đã có những trao đổi về sự vào cuộc của ngành Công an đối với vấn đề này.
 

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh khẩn trương điều tra xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật bảo vệ rừng. Vậy ngành Công an đã thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng như thế nào, thưa ông?

Với trách nhiệm của mình, ngành Công an đã quyết liệt chỉ đạo công tác phòng ngừa, đấu tranh phát hiện các hành vi phá rừng, vi phạm tài nguyên rừng. Đặc biệt chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ như: cảnh sát kinh tế, cảnh sát môi trường phối hợp với chính quyền địa phương, các chủ rừng tập trung tuyên truyền để nâng cao nhận thức về bảo vệ rừng cho người dân; đồng thời tham mưu tích cực cho cấp ủy đảng, chính quyền các cấp huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc để tổ chức các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh đối với các hành vi phá rừng.

Riêng lực lượng công an đã tổ chức nhiều đợt cao điểm, tập trung, kiên quyết xử lý các đối tượng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, các hoạt động khai thác rừng trái phép. Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng công an toàn tỉnh đã phát hiện 395 vụ, 368 đối tượng, thu hút 699 m3 gỗ; trong đó đã khởi tố 19 vụ, 68 đối tượng để điều tra hình sự. Cùng với việc truy tố các vụ phá rừng nghiêm trọng, chúng tôi còn chỉ đạo công an các cấp tổ chức truy quét các điểm phá rừng làm nương rẫy trên địa bàn.

Xin đại tá cho biết những khó khăn của ngành Công an trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với vấn nạn xâm phạm tài nguyên rừng hiện nay?

Thời gian qua được sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như UBND tỉnh, công tác quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh từng bước được quan tâm. Tuy nhiên tình trạng phá rừng trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến rất phức tạp, nhiều cánh rừng đã bị tàn phá, ngay cả rừng đầu nguồn cũng bị xâm lấn. Các đối tượng hằng ngày vẫn tiếp tục phá rừng, đốt rừng làm nương rẫy, kinh doanh sản xuất trái phép trên đất rừng… Khó khăn mà ngành Công an gặp phải trong việc xử lý các hành vi vi phạm quản lý, bảo vệ rừng là “vướng” các quy định của pháp luật. Chẳng hạn như quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản, có nhiều vụ việc, hành vi, lực lượng công an phát hiện, lập biên bản xong phải chuyển hồ sơ cho ngành môi trường, ngành kiểm lâm xử lý. Chưa hết, một số đối tượng lâm tặc lợi dụng kẽ hở của pháp luật quy định chưa xử phạt hành chính thì không bị xử lý hình sự để vận chuyển gỗ trái phép…

Vậy theo ông làm thế nào để giảm áp lực giữ rừng, bảo vệ rừng hiệu quả, bền vững?

Theo tôi muốn làm tốt công tác phòng ngừa, đấu tranh với nạn phá rừng cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị.

Lâu nay, công tác bảo vệ tài nguyên rừng chỉ mới dừng lại ở các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng như: kiểm lâm, công an, chủ rừng và chính quyền địa phương. Sự vào cuộc, sự phối hợp của các cấp, ngành chưa đồng bộ, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống cho người dân ở vùng giáp ranh rừng chưa phát huy hiệu quả; việc hoạch định các chính sách liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng chưa được quan tâm đúng mức. Minh chứng rõ nhất là phát triển thủy điện đã tác động đến rừng, đến môi trường; đời sống của đồng bào ở vùng giáp ranh rừng phòng hộ, rừng đặc dụng… chưa ổn định dẫn đến việc quản lý, bảo vệ và phát triển rừng khó bền vững.

Vì vậy, chúng ta phải giải quyết từ cái gốc - ngay từ việc hoạch định các chính sách phát triển kinh tế - xã hội đã phải quan tâm đến vấn đề phát triển, bảo vệ rừng. Đơn cử muốn phát triển một dự án kinh tế, chúng ta phải cân nhắc giữa lợi ích kinh tế và lợi ích về môi trường, về rừng để xem cái nào có lợi hơn. Hay như khi đầu tư phát triển một công trình thủy điện thì cũng phải tính toán cho kỹ để làm sao vừa có điện nhưng vừa giữ được rừng, giữ tài nguyên sinh thái rừng.

 Đối với dân cư ở các vùng lõi rừng, vùng giáp với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng… chúng ta phải có chính sách đầu tư phát triển kinh tế - xã hội để nâng cao đời sống cho bà con. Nếu chỉ lo tập trung giữ rừng mà dân chưa no, chưa có điều kiện sản xuất ổn định thì chắc chắn họ sẽ vào phá rừng khai thác gỗ, hoặc canh tác trái phép trên đất rừng…

Xin cảm ơn đại tá!

Nguyên Hoa (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.