Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm thực hiện quyền tham gia của trẻ em

08:55, 09/07/2017

Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực từ 1-6-2017 đã quy định cụ thể các quyền của trẻ em. Để góp phần đưa Luật Trẻ em vào cuộc sống, mới đây, Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã tổ chức 2 lớp tập huấn kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em tại khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với bà NGUYỄN THỊ NGA, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xung quanh vấn đề này.

Bà đánh giá như thế nào về việc thực hiện quyền trẻ em ở nước ta hiện nay?

Có thể nói, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cũng như thực hiện quyền trẻ em trong những năm qua đã được nhiều kết quả đáng khích lệ. Việt Nam là một trong những nước được cộng đồng quốc tế đánh giá cao về những nỗ lực trong việc hoàn thành hệ thống luật pháp, chính sách, đầu tư cho công tác thực hiện quyền trẻ em và một số mô hình bảo đảm thực hiện quyền trẻ em. Tuy nhiên, thực tế cũng nảy sinh một số vấn đề đang ảnh hưởng đến quyền trẻ em, đó là: bạo lực, xâm hại trẻ em, nhất là xâm hại tình dục trẻ em; trẻ em bị tai nạn thương tích, đuối nước, tai nạn giao thông còn nhiều; ở một số nơi trẻ em vẫn phải bỏ học để kiếm sống, tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi còn cao.

Nguyên nhân của thực trạng trên là do đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, nhất là cấp cơ sở vẫn còn thiếu về số lượng và hạn chế về năng lực; mạng lưới cung cấp dịch vụ bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn thiếu; một số địa phương chưa thực sự quan tâm bố trí nguồn lực để triển khai các quyết định, kế hoạch bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được phê duyệt…

Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực từ 1-6-2017 có tác động như thế nào đến việc thực hiện quyền trẻ em, thưa bà?

Luật Trẻ em được Quốc hội thông qua năm 2016 và có hiệu lực từ 1-6-2017 quy định toàn bộ quyền trẻ em; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện quyền trẻ em; các cấp độ bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bảo vệ trẻ em trong quá trình tố tụng; các vấn đề liên quan đến chăm sóc y tế, giáo dục, vui chơi, giải trí cho trẻ em. Luật cũng quy định trẻ em được tham gia vào các vấn đề của trẻ em; cơ quan đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em là Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Tổ chức này có trách nhiệm giám sát việc thực hiện quyền trẻ em theo ý kiến, nguyện vọng của trẻ em. Một điểm mới nữa của Luật Trẻ em quy định là hằng năm, đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp tổ chức gặp mặt đại diện nhóm trẻ em để giám sát việc thực hiện quyền trẻ em ở các địa phương. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về việc thành lập Ủy ban quốc gia về trẻ em do một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch Ủy ban, các thành viên là lãnh đạo các bộ, ban, ngành, các hội bảo vệ quyền trẻ em. Vì vậy, hy vọng trong thời gian tới, việc thực hiện các quyền của trẻ em sẽ đạt được nhiều bước tiến mới.

Thông qua lớp tập huấn kỹ năng thực hiện quyền tham gia của trẻ em sẽ góp phần trang bị những kiến thức, kỹ năng gì cho nhóm trẻ em nòng cốt trong việc thực hiện quyền tham gia của trẻ em?

Trong giai đoạn 2016-2020, các cấp, ngành, địa phương tập trung triển khai các chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề của trẻ em. Vì vậy, việc tổ chức tập huấn cho nhóm trẻ em nòng cốt rất cần thiết bởi lẽ thông qua hoạt động này góp phần truyền tải đến các em những nội dung cơ bản về quyền, bổn phận của trẻ em, những kỹ năng, phương pháp làm việc, thực hành về quyền tham gia của trẻ em, kỹ năng truyền thông thực hiện quyền trẻ em, lập kế hoạch hoạt động của các nhóm trẻ em. Qua đó, các em sẽ trở thành những tuyên truyền viên nòng cốt, những “cánh tay nối dài” trong thực hiện quyền tham gia của trẻ em. Chính các em sẽ tổ chức các hoạt động, thăm dò ý kiến của bạn bè mình để nói lên mong muốn, nguyện vọng của trẻ em, nhất là ở vùng sâu vùng xa.

Trân trọng cảm ơn bà!

Nguyễn Xuân (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.