Multimedia Đọc Báo in

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời về thực trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh

15:31, 22/07/2017

Ô nhiễm môi trường, nhất là ô nhiễm nguồn nước, tiếng ồn, khói bụi… ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của người dân. Trong chương trình “Dân hỏi - Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời” mới đây, ông BÙI THANH LAM, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường (TN-MT) đã cho biết rõ hơn về thực trạng này.

°Thưa ông trên địa bàn tỉnh hiện nay mức độ ô nhiễm môi trường được đánh giá như thế nào?

Theo kết quả quan trắc định kỳ chất lượng môi trường tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2011-2016 cho thấy, về cơ bản chất lượng môi trường không khí tương đối tốt, nồng độ các chất ô nhiễm thấp. Tuy nhiên tiếng ồn tại một số điểm nút giao thông còn vượt quy chuẩn cho phép, nguyên nhân do tập trung một lượng lớn các loại phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra, những năm gần đây các hoạt động xây dựng, sửa chữa, cải tạo nhà ở; sửa chữa và nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ,… diễn ra liên tục và trên diện rộng đã tác động đến môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi cục bộ…

Chất lượng môi trường nước mặt ở một số sông suối, ao hồ đang có dấu hiệu ô nhiễm bởi chất hữu cơ. Ví dụ như các sông: Ea H’leo, Krông Búk, Krông Năng đều có hàm lượng COD, BOD5 cao, vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt. Một số hồ ít có nguồn nước bổ sung, đặc biệt vào mùa khô làm giảm khả năng pha loãng, tự làm sạch, đơn cử như các hồ: Sút M’grư, Phú Xuân, Ea Knốp, Ea Hill. Nước mặt, nước ngầm đang có dấu hiệu suy giảm về trữ lượng. Theo khảo sát của Đoàn Tài nguyên nước Trung Tây Nguyên, hiện mực nước ngầm tại khu vực Đắk Lắk - Đắk Nông đã xuống thấp hơn khoảng 2m so với các năm trước, đặc biệt vùng Cư Bao - Buôn Hồ thấp hơn tới 4m.

Môi trường đất tại các khu vực sản xuất công nghiệp hầu hết chưa bị ô nhiễm. Riêng các bãi chôn lấp chất thải rắn phần lớn là bãi rác lộ thiên hoặc các điểm đổ rác tập trung. Công tác xử lý chất thải rắn chưa được phân loại và chôn lấp theo đúng quy định, chưa có hệ thống xử lý nước rỉ rác mà mới chỉ dừng lại ở mức độ thu gom, vận chuyển, đổ và san ủi. Việc chôn lấp không đảm bảo vệ sinh đang là nguồn gây ô nhiễm môi trường đất, nước và làm phát sinh các khí gây mùi hôi như: H2S, NH3, Mercaptans, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của người dân sinh sống gần các bãi chôn lấp.

 °Đắk Lắk có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn. Trong quá trình canh tác, người dân đã sử dụng một lượng không nhỏ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) vứt vỏ chai lọ thuốc trừ sâu bừa bãi, điều này tác động đến môi trường như thế nào?

Trước đây người dân chỉ sử dụng thuốc BVTV cho cây lúa nhưng hiện nay đã dùng phổ biến trên cả hoa màu và cây ăn quả. Sau khi sử dụng họ thường vứt vỏ chai, bao bì tùy tiện ngay tại đồng ruộng, dưới mương nước, ao hồ; một số hộ còn tiêu hủy cùng với rác thải sinh hoạt. Chính điều này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người. Cụ thể như lượng hóa chất BVTV còn sót lại hoặc đang dính bám trên chai lọ sẽ theo nước mưa ngấm vào nguồn nước sinh hoạt, không khí và thức ăn - đây là một trong những tác nhân gây các loại bệnh ung thư. Thuốc BVTV còn gây ô nhiễm môi trường nước (gồm cả nước mặt và nước ngầm), suy thoái chất lượng nguồn nước, ảnh hưởng đến các sinh vật thủy sinh. Khi xâm nhập vào môi trường đất, thuốc BVTV sẽ làm cho tính chất cơ lý của đất giảm sút, tiêu diệt nhiều vi sinh vật có lợi trong đất, làm hoạt tính sinh học trong đất giảm. Về lâu dài sẽ mất cân bằng sinh thái, giảm đa dạng sinh học, tăng nguy cơ bùng phát dịch hại,… Do vậy, Sở TN-MT đã có văn bản hướng dẫn các tổ chức, cá nhân cách xử lý đối với chất thải nguy hại này; đồng thời đã đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức tuyên truyền, vận động người dân hiểu rõ nguy cơ hiện hữu và tiềm ẩn để thực hiện nghiêm túc, tránh hậu họa về sau.

°Tình trạng khoan giếng khai thác nguồn nước ngầm đang diễn ra nhiều nơi trên địa bàn. Tuy nhiên hầu hết những giếng khoan không bảo đảm các quy định, dẫn đến nguy cơ mực nước ngầm sụt giảm, bị ô nhiễm. Vậy cơ quan chức năng của tỉnh đã có giải pháp gì để quản lý nguồn tài nguyên này?

Toàn tỉnh có khoảng 3.217 giếng khoan và 74.666 giếng đào đang sử dụng cho mục đích khai thác nước dưới đất. Để quản lý nguồn tài nguyên này, cơ quan quản lý đã tăng cường công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật về tài nguyên nước đến cấp huyện, cấp xã thông qua các kênh truyền thông, tập huấn. Từ năm 2015-2017, Sở TN-MT đã phối hợp tổ chức tập huấn tại 12/15 huyện, thành phố, thị xã cho khoảng 900 lượt cán bộ và các đơn vị khai thác nước ngầm. Năm 2016, Sở còn phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghiệp Tuy Hòa tập huấn kỹ thuật khoan nước ngầm cho trên 500 học viên hành nghề nghề khoan nước dưới đất. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đồng thời hướng dẫn đăng ký việc khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả thải vào nguồn nước và hành nghề khoan nước dưới đất. Hiện nay chúng tôi đã tiến hành điều tra tài nguyên nước của 4 huyện: Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng và thị xã Buôn Hồ; đang triển khai lập quy hoạch Tài nguyên nước tỉnh Đắk Lắk đến 2025 và tầm nhìn đến 2035; đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương lập hành lang bảo vệ nguồn nước sinh hoạt, khoanh vùng cấm, vùng hạn chế khai thác nước ngầm trên địa bàn tỉnh.

°Xin cảm ơn ông!

Vạn Nguyên (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.