Tạo việc làm cho người lao động bằng nhiều giải pháp
Xác định tạo việc làm cho người lao động là một trong những nhiệm vụ quan trọng để góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế tại địa phương. Những năm qua, Đắk Lắk đã triển khai nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ học nghề... tạo việc làm cho người lao động, từng bước mang lại hiệu quả.
Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có buổi trao đổi với ông Trần Phú Hùng, Giám đốc Sở LĐ-TBXH trong Chương trình “Dân hỏi – Thủ trưởng cơ quan hành chính trả lời”.
• Xin ông cho biết một số kết quả nổi bật trong công tác giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh từ năm 2018 đến nay? Quá trình thực hiện có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?
Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nên từ năm 2018 đến nay công tác giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực. Cụ thể năm 2018 đã giải quyết việc làm cho 29.100 người (đạt 104,67% kế hoạch), 6 tháng đầu năm 2019 giải quyết việc làm cho khoảng 14.300 người (đạt gần 50% kế hoạch), dự báo số lao động được giải quyết việc làm sẽ tăng cao trong 6 tháng cuối năm 2019.
Đạt được kết quả trên là nhờ tỉnh đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế và sự ổn định của xã hội; các hoạt động hỗ trợ cho người lao động được tổ chức thường xuyên, hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng gặp phải không ít khó khăn như: số lao động làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp thu nhập còn thấp, việc làm chưa bền vững; vẫn còn một bộ phận người lao chưa chủ động, tích cực tìm kiếm hoặc kén chọn việc làm…
• Hiện nay, có nhiều lao động tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ không tìm được việc làm hoặc làm không đúng ngành nghề đào tạo, trong khi đó nhiều nơi lại thiếu lao động chất lượng, tay nghề cao. Theo ông, đâu là nguyên nhân và cần phải có những giải pháp gì để giải quyết nghịch lý này?
Trong thực tế đang xảy ra tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ". Theo tôi, để giải quyết vấn đề này cần thực hiện đồng bộ các giải pháp. Trước tiên là nâng cao năng lực dự báo cung cầu lao động, đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng để người lao động lựa chọn ngành nghề theo học phù hợp, đáp ứng yêu cầu xã hội, tránh tình trạng học theo phong trào hoặc học theo sở thích.
Đối với những người chưa tìm được việc làm phù hợp với trình độ đào tạo thì cần mạnh dạn chuyển đổi nghề hoặc tham gia xuất khẩu lao động. Thứ hai thực hiện công tác phân luồng học sinh THCS, THPT vào học nghề để tạo nền tảng quan trọng cho việc chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Thứ ba, các cơ sở đào tạo nghề cần nâng cao chất lượng, đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, chú trọng đào tạo những ngành nghề xã hội cần hoặc theo đơn đặt hàng của nhà tuyển dụng.
Phụ nữ huyện Ea Súp tham gia lớp học nghề may. |
• Ông có thể cho biết thêm, hiện nay tỉnh Đắk Lắk đã có những chính sách, chương trình nào để hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho phụ nữ?
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đang thực hiện các chính sách hỗ trợ học nghề, tạo việc làm cho phụ nữ do nhà nước ban hành như: Đảm bảo quyền bình đẳng trong tuyển dụng, sử dụng đối với lao động nữ; cho phụ nữ vay vốn giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; hỗ trợ chi phí đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề dưới 3 tháng, trong đó ưu tiên hỗ trợ phụ nữ bị mất việc làm; miễn giảm học phí học nghề trình độ trung cấp, cao đẳng cho phụ nữ; khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng, sử dụng lao động nữ… Nhờ đó, tỷ lệ lao động nữ được giải quyết việc làm hằng năm của tỉnh đều chiếm từ 48 – 50% tổng số lao động được giải quyết việc làm.
•Xin cảm ơn ông!
Như Quỳnh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc