Tạo động lực đưa vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển nhanh, bền vững
Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn luôn được Đảng, Nhà nước ưu tiên hàng đầu thể hiện rõ qua nhiều kế hoạch, chính sách ưu đãi, hỗ trợ, đầu tư dành riêng cho các khu vực này.
Sau đây là cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Đắk Lắk với ông LÊ NGỌC VINH, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh chung quanh nội dung này.
°Đắk Lắk là địa phương có tỷ lệ đồng bào DTTS đông, phần lớn sinh sống ở khu vực vùng sâu, vùng xa, kinh tế khó khăn. Xin ông cho biết một vài kết quả triển khai các chương trình hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước đối với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng đồng bào DTTS của tỉnh thời gian qua?
Tỉnh Đắk Lắk có tới 47 dân tộc sinh sống, với hơn 630.000 người là đồng bào DTTS, phân bổ đều khắp ở 184/184 xã, phường, thị trấn trong tỉnh, nhưng tập trung chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, có địa hình bị chia cắt nên đời sống gặp nhiều khó khăn, cần nguồn lực rất lớn để đầu tư. Những năm qua, với mức đầu tư lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cho vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS bằng nhiều chính sách, chương trình, dự án, như: Chương trình 135 được đầu tư từ năm 1999 cho đến nay; chính sách giải quyết đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt theo các Quyết định 134, 1592, 755 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách hỗ trợ cho người dân thuộc hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định số 102 của Thủ tướng Chính phủ; chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS giai đoạn 2017 - 2020 theo Quyết định số 2085 ngày 31-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ; chương trình giảm nghèo Tây Nguyên; chương trình 30a… Qua đó đã tạo những chuyển biến tích cực cho vùng đồng bào DTTS của tỉnh.
°Thưa ông, có thể thấy, các chính sách ưu tiên hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước đã tác động tích cực đến nhiều mặt đời sống của đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện các chính sách ưu đãi trên vẫn còn một vài tồn tại, nhất là chưa gắn trách nhiệm của người được thụ hưởng chính sách?
Trong thời gian qua, các chính sách hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước cho đồng bào DTTS và vùng DTTS chủ yếu là chính sách hỗ trợ “cho không” đã góp phần không nhỏ cho nhiều hộ đồng bào DTTS có nguồn vốn, tư liệu sản xuất để vươn lên thoát nghèo. Tuy nhiên, cũng còn một bộ phận người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của Nhà nước, không có ý thức tự vươn lên thoát nghèo, nhưng theo tôi những trường hợp này ít.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nguyễn Thị Thu Nguyệt (bìa trái) trao bò sinh sản cho hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã Ia R'vê (huyện Ea Súp). |
°Vậy theo ông cần phải làm gì để nâng cao hiệu quả các chính sách hỗ trợ, khơi dậy tinh thần tự vươn lên của đồng bào DTTS tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn trong tỉnh?
Mặc dù đã có nhiều nguồn lực ưu tiên đầu tư nhưng điều kiện cơ sở hạ tầng cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng DTTS của tỉnh còn nhiều khó khăn, người dân chưa được tiếp cận đầy đủ với các dịch vụ thiết yếu; thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, đồng bào DTTS bị hạn chế về vốn, khả năng tiếp cận thông tin, sự mặc cảm, tự ti…
Do vậy, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả các chính sách ưu đãi, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội bền vững đối với đồng bào DTTS, theo tôi cần chuyển đổi mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ trực tiếp mang tính chất “cho không” sang chính sách tạo cơ hội cho đồng bào DTTS tự vươn lên thoát nghèo, cải thiện đời sống. Trong đó, cần ưu tiên theo các lĩnh vực như: cơ sở hạ tầng thiết yếu, phát triển nguồn nhân lực, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, sử dụng cán bộ người DTTS, giảm nghèo tiếp cận đa chiều và giảm nghèo bền vững.
Hơn nữa, các chính sách cần chú trọng hơn trong việc đầu tư phát triển để khai thác các thế mạnh vùng DTTS, của từng địa phương. Các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo vừa qua mới tính đến việc hỗ trợ ngắn hạn mà chưa tính đến những hỗ trợ dài hạn bảo đảm cuộc sống cho người dân. Cùng với đó, cần coi người dân như là một đối tác trong công tác dân tộc và an sinh xã hội, lao động, việc làm bền vững trong vùng DTTS. Các biện pháp hỗ trợ an sinh cho đồng bào DTTS cần tính toán rõ sự khác biệt giữa các nhóm DTTS, điều chỉnh kịp thời những chính sách chưa phù hợp đặc điểm của DTTS, chưa phù hợp trình độ dân trí và đặc điểm phong tục, tập quán vùng, miền; cần đặc biệt quan tâm tới sinh kế người dân, từ đó bảo đảm hiệu quả và tính bền vững trong quá trình thực hiện.
Mặt khác, cần bảo đảm nguồn lực thực hiện chính sách phù hợp, tránh bố trí dàn trải, giảm đầu mối quản lý, tránh chồng chéo. Các chính sách cần bảo đảm tính liên kết, liên thông tốt hơn như: cơ sở hạ tầng kết hợp phát triển kinh tế, chính sách tín dụng gắn với tạo việc làm, dạy nghề gắn với nhu cầu việc làm… Đồng thời tăng cường thực hiện cơ chế xã hội hóa và sự đóng góp nguồn lực của tổ chức, doanh nghiệp, qua đó huy động cao nhất các nguồn lực cho giảm nghèo, an sinh xã hội tại vùng đồng bào DTTS.
°Xin cảm ơn ông!
Lan Anh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc