Multimedia Đọc Báo in

Ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển

09:13, 21/12/2019

Thời gian qua, Sở Tài chính đã chủ động tham mưu để tỉnh triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng thu và điều hành ngân sách chặt chẽ, linh hoạt, đồng thời thực hiện nhiều cơ chế, chính sách thuận lợi cho việc thu hút đầu tư và ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển.

Xung quanh vấn đề này, Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Tài chính Bùi Văn Yên.

Giám đốc Sở Tài chính  Bùi Văn Yên.
Giám đốc Sở Tài chính Bùi Văn Yên.

Ông đánh giá như thế nào về kết quả thu ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh năm 2019?

Tính đến ngày 30-11-2019; tổng thu cân đối NSNN trên địa bàn tỉnh là 6.255 tỷ đồng, đạt 91,9% dự toán HĐND tỉnh giao. Tổng thu cân đối NSNN ước thực hiện trong năm 2019  là 6.910 tỷ đồng, đạt 126,96% dự toán TW và 101,5% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 17,58% so với cùng kỳ năm 2018,

Kết quả trên cho thấy, công tác thu ngân sách trên địa bàn toàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, nguyên nhân chủ yếu là do tình hình kinh tế của tỉnh có bước tăng trưởng, một số dự án đầu tư mới của các doanh nghiệp đã hoàn thành và đi vào hoạt động, một số chính sách thuế mới có hiệu lực thi hành đã tác động làm tăng nguồn thu cho ngân sách của tỉnh và công tác thu biện pháp tài chính có nhiều thuận lợi, nhất là thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất. Cùng với đó là sự nỗ lực, phấn đấu của các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thu ngân sách và sự vào cuộc tích cực, kịp thời của các cơ quan trong ngành tài chính. Nhờ đó mà công tác tài chính - ngân sách đã được triển khai thực hiện ngay từ đầu năm và liên tục, xuyên suốt cho đến cuối năm.

Việc thực hiện ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách cho nhiệm vụ chi đầu tư phát triển trong thời gian qua được triển khai như thế nào thưa ông?

Tổng vốn đầu tư ngân sách địa phương (NSĐP) của tỉnh năm 2019 là 2.877.030 triệu đồng, trong đó: ngân sách Trung ương cân đối: 903.030 triệu đồng; tiền sử dụng đất: 1.740.000 triệu đồng; xổ số kiến thiết: 130.000 triệu đồng; tiết kiệm chi thường xuyên: 100.000 triệu đồng (đây là cố gắng lớn của tỉnh trong việc ưu tiên nguồn lực cho đầu tư phát triển); nguồn thu hồi vốn ứng trước bố trí cho dự án: 4.000 triệu đồng. Ngoài ra, còn huy động sự đóng góp của người dân bằng ngày công, hiến đất… để thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, góp phần phát huy hiệu quả đầu tư của chương trình.

Đại biểu tham quan mô hình phối cảnh của Dự án Khu đô thị EcoCity Premia.
Đại biểu tham quan mô hình phối cảnh của Dự án Khu đô thị EcoCity Premia.

Để tăng nguồn vốn cho đầu tư phát triển, những năm qua, tỉnh đã tập trung khai thác nguồn thu từ quỹ đất; nhiều dự án khu đô thị mới đã hình thành, góp phần phát triển đô thị và tạo quỹ đất để bán đấu giá, tạo nguồn cho đầu tư phát triển. Để hoàn thành kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, trong 2 năm 2019 và 2020, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu thu tiền sử dụng đất lên đến 4.440 tỷ đồng (năm 2019: 1.740 tỷ và năm 2020: 2.700 tỷ đồng). Hiện nay, tỉnh đang kêu gọi, thu hút nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp để đầu tư các dự án theo hình thức PPP nhằm giảm bớt gánh nặng cho ngân sách địa phương, tỉnh đã thống nhất 8 danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2016-2020, với tổng mức đầu tư dự kiến 1.556.850 triệu đồng. Một số dự án lớn của địa phương phát huy hiệu quả đầu tư, góp phần phát triển kinh tế xã hội như: Dự án Thủy lợi Hồ Ea Tam với tổng mức đầu tư 1.492.150 triệu đồng; Đường Đông Tây TP.Buôn Ma Thuột với tổng mức đầu tư 998.117 triệu đồng; Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia tỉnh Đắk Lắk với tổng mức đầu tư 887.000 triệu đồng…

Trong bối cảnh áp lực về thu – chi ngân sách hiện nay ngày càng lớn, gây nhiều khó khăn, thách thức cho ngành tài chính, ngành có giải pháp gì để vượt qua những khó khăn đó, thưa ông?

Để vượt qua áp lực về thu – chi ngân sách, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh trên địa bàn tỉnh, ngành tài chính đề ra một số giải pháp cụ thể. Trước hết là tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn tỉnh, tạo tiền đề gia tăng nguồn thu cho NSNN, đồng thời triển khai thực hiện tốt công tác quản lý thu NSNN đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời theo quy định của pháp luật, không bỏ sót nguồn thu… Bên cạnh đó, ngành sẽ đẩy mạnh thu biện pháp tài chính, nhất là thực hiện việc bán đấu giá quyền sử dụng đất, thu tiền chuyển mục đích sử dụng đất và tập trung cơ cấu lại NSNN, tăng cường quản lý nợ công của tỉnh, xây dựng và triển khai kế hoạch tài chính trung hạn gắn với chiến lược quản lý nợ công, kiểm soát bội chi ngân sách và kế hoạch đầu tư công trung hạn trong cùng thời kỳ. Ngoài ra, ngành sẽ từng bước cơ cấu lại chi NSNN theo hướng tăng hợp lý tỷ trọng chi đầu tư, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên gắn với đổi mới mạnh mẽ khu vực sự nghiệp công lập theo cơ chế tự chủ và tinh giản bộ máy, biên chế, thực hiện cải cách tiền lương…

Xin cảm ơn ông!

Khả Lê (thực hiện)

 

 


Ý kiến bạn đọc