Multimedia Đọc Báo in

Ấn tượng từ đêm thơ Nguyên tiêu 2010

16:09, 13/04/2010

Theo kế hoạch, Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh dự kiến Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8 được tổ chức hoành tráng ở ba địa điểm: đêm 14 tháng Giêng tại Trường trung học phổ thông Dân tộc nội trú (THPTDTNT) Nơ Trang Lơng; ngày 15 tháng Giêng kết hợp với Phòng Văn hóa – Thông tin huyện và Chi hội VHNT Krông Năng tổ chức tại Trung tâm Văn hóa huyện Krông Năng; đêm Nguyên tiêu phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức ở Nhà văn hóa trung tâm tỉnh. Nhưng đến cuối tháng 2, huyện Krông Năng thông báo vì bận tổ chức lễ hội “Xuống đồng” xin không tổ chức Ngày thơ Việt Nam; nên chỉ còn lại hai điểm tổ chức kỷ niệm Ngày thơ.

Chiều tối ngày 14 tháng Giêng xuân Canh Dần, lúc 18 giờ đoàn văn nghệ sĩ của Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh đến cổng trường THPTDTNT Nơ Trang Lơng. Xe vừa dừng lại, các em học sinh ùa ra đón đoàn. Cô Niê Thanh Mai – Bí thư Đoàn trường phải chạy ra “dẹp” trật tự.
Thật mừng với không khí tươi vui mà các em học sinh của trường mang đến. Hằng năm, Hội VHNT tỉnh thường kết hợp với trường tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ và lần nào cũng vậy, các em rất nhiệt tình tham gia. Nhớ lại hè 2009 vừa qua, khi chúng tôi đến đây cũng được các em chào đón rất nhiệt tình, đặc biệt nhóm “tứ quái” gồm: A Jun Ánh Hồng, H’ Xíu H’mok, H Siêu Niê, H’ Rút – những cây bút trẻ, cộng tác viên của Tạp chí Văn nghệ Chư Yang Sin đã có hẳn một chương trình bất ngờ dành cho đoàn thật vui nhộn (hiện nay các em đã là sinh viên các trường Đại học ở TP. Hồ Chí Minh, Tây Nguyên, Nha Trang…). Tại văn phòng nhà trường, Hiệu trưởng, Hiệu phó, Chủ tịch Công đoàn… nồng nhiệt đón đoàn. Ông Hoàng Nghĩa Đào, Hiệu trưởng nhà trường rất vui khi trao đổi với các văn nghệ sĩ và đánh giá cao các hoạt động Văn học Nghệ thuật đối với việc nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
19 giờ, mọi người lên hội trường, tất cả các em học sinh đứng dậy vỗ tay chào đón các văn nghệ sĩ. Khi mọi người vừa yên vị, đèn điện chợt tắt và hàng trăm ngọn nến được thắp lên lung linh huyền ảo. Trên sân khấu bốn cô học sinh mặc quần áo dân tộc bản địa châm một dãy nến cắm theo hình cuốn vở càng làm cho không khí đêm thơ thêm phần sinh động. Đèn bất sáng lại, quan sát hội trường thấy bên các khung cửa sổ hàng chục em học sinh tay cầm từng chùm bóng bay lớn. Như đoán được sự ngạc nhiên của tôi, thầy giáo Chủ tịch Công đoàn nhà trường nói nhỏ: “Các quả bóng bay này các em đã chuẩn bị cả tuần nay rồi đấy, trên đó chính tay các em chép những bài thơ hay của các vị tiền nhân”. Tôi lại bị bất ngờ lần nữa, khi được biết ngoài việc học tập, các em còn dành thời gian chuẩn bị cho đêm thơ thật chu đáo. Chương trình đêm thơ được mở đầu bằng bài thơ Thần của thi nhân Lý Thường Kiệt qua giọng đọc của nhà thơ Hữu Chỉnh. Chương trình được tiếp nối qua giọng đọc thơ của các thầy cô giáo và các em học sinh với những bài thơ của các tác giả: Nguyễn Trãi, Lý Nhân Tông, Nguyễn Công Trứ, Hồ Chí Minh, Xuân Diệu, Huy Cận… Thật xúc đông khi được nghe giọng đọc của các em học sinh là người dân tộc thiểu số có cách phát âm sao mà ấm áp, diễn cảm và thân thương đến thế. Có lẽ các em đã chuẩn bị chu đáo từ trước nên khi em này vừa ngừng, em khác lại đọc tiếp ngay, mỗi em chỉ đọc một bài của một tác giả đã được chọn, chép tay trên giấy A4; dưới ngọn nến lung linh làm cho các em đẹp như những thiên thần. Tiếng vỗ tay sau mỗi bài thơ vang lên càng làm cho đêm thơ thêm huyền diệu.

 

Sau phần đọc thơ của các vị thi nhân tiền bối đến phần giao lưu và đọc thơ của các văn nghệ sĩ. Người được mời đầu tiên bước lên sân khấu là nhà thơ Hữu Chỉnh, có mái tóc trắng như cước, tuy tuổi đã cao nhưng nhìn vẫn còn tráng kiện lắm. Sau những câu hỏi giao lưu đánh giá về thơ ca Dak Lak hiện nay và xu thế phát triển của Văn học tỉnh nhà, nhà thơ còn bật mí cho mọi người biết: Ông nguyên là người vừa lãnh đạo vừa dạy học ở chiến khu năm xưa, tiền thân của trường Dân tộc nội trú hôm nay và đọc tặng mọi người bài thơ sáng tác từ năm 70 của thế kỷ trước nói về lớp học trong rừng. Giọng đọc vừa dứt, tiếng vỗ tay vang lên; cô Phó hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Trúc ôm một bó hoa hồng tươi thắm lên tặng nhà thơ và xúc động nói với mọi người: “Tôi là một trong những học sinh của thầy ở chiến khu Krông Bông ngày trước đây!” Hai thầy trò, hai thế hệ kế tiếp nhau giờ đây mái tóc người nào cũng đã đổi màu; thời gian không đợi ai cả, nó đã để lại dấu ấn lên mọi người nhưng tình cảm thì hầu như không những không phai mờ theo năm tháng…
Nhà thơ Phạm Doanh nối tiếp chương trình với đánh giá về các trào lưu thơ hiện nay và điểm qua những gương mặt xuất sắc trên văn đàn tỉnh nhà như: Lê Vĩnh Tài, Đinh Thị Như Thúy, H’ Trem Knul… Nhà thơ nguyên là Phó chủ tịch Hội – Tổng Biên tập Tạp chí văn nghệ Chư Yang Sin ba khóa liên tục. Ông đánh giá riêng về việc phát hiện và bồi dưỡng những cây bút từng là học sinh của trường trong 20 năm qua, có những cây bút thành danh trên văn đàn như: nhà thơ - nhà báo Hoàng Thiên Nga (báo Tiền Phong) nhà văn Niê Thanh Mai – Bí thư Đoàn trường, Ủy viên Ban thường vụ Hội VHNT Dak Lak; các bạn H’Phi La, H’Vêra – sinh viên khoa lý luận sáng tác Trường Đại học Văn hóa Quân đội; H’Xíu H’Mok sinh viên khoa báo chí Trường Đại học Xã hội - Nhân văn TP. Hồ Chí Minh…, và hy vọng với sự quan tâm của Ban giám hiệu nhà trường như hiện nay, chắc chắn trong các em học sinh hôm nay còn ngồi đây, ngày mai sẽ có những cây bút mới suất sắc kế tục sự nghiệp các thế hệ cha anh đi trước…
Nhà thơ Đinh Thị Như Thúy – cô giáo dạy văn trường THPT Bán công huyện Krông Pak đến với đêm thơ qua những sáng tác mới, được khán giả thưởng những tràng vỗ tay rất dài. Có thể nói, chính sự cổ vũ của thính giả đối với nhà thơ Đinh Thị Như Thúy là nguồn động viên, khích lệ rất lớn khi cô phải đi một chặng đường gần 50 km, từ dưới huyện lên để kịp dự đêm thơ – nhà thơ quá xúc động, phải một lúc lâu tĩnh tâm mới đọc được thơ. Nhà thơ Lê Vĩnh Tài – một chủ một doanh nghiệp thành đạt và cũng rất thành công trên văn đàn đến với đêm thơ bằng một bài thơ đầy kỷ niệm tuổi ấu thơ tại vùng quê Buôn Ma Thuột. Có lẽ cà phê xứ đất đỏ ba zan đã tạo cho nhà thơ cảm xúc nên giọng đọc say sưa làm xúc động lòng người. Khép lại đêm giao lưu, nhà thơ – nhà báo Hoàng Thiên Nga xúc động ôn lại những kỷ niệm đẹp của mình khi còn là học sinh của trường trong những ngày tháng trường mới thành lập còn bộn bề khó khăn…
Nếu đêm thơ ở trường THPTDTNT Nơ Trang Lơng được khắc họa bằng những bài thơ qua giọng đọc của thầy, trò và các thi sĩ tỉnh nhà, tạo không khí ấm áp mà đằm thắm, lắng đọng vào lòng người; thì đêm thơ Nguyên tiêu tổ chức tại Nhà văn hóa trung tâm tỉnh cuốn hút hàng ngàn người tham gia vì những giọng ngâm thơ chuyên nghiệp đến từ đài Truyền thanh – Truyền hình Dak Lak. Ban tổ chức đã xây dựng kịch bản đúng theo chủ đề: “Đêm thơ – nhạc kỷ niệm ngày thơ Việt Nam” và nhạc làm nền chính cho các giọng ngâm thơ. Khán giả được nghe những bài thơ của các bậc thi sĩ tiền bối, các nhà thơ đương đại viết về tỉnh nhà và xen kẽ là những ca khúc được các nhạc sĩ: Nguyễn Văn Hạnh, Mạnh Trí, Huỳnh Ngọc La Sơn, Quang Dũng… phổ thơ của tác giả trong tỉnh. Cái mới, cái lạ cuốn hút người xem bởi sự kết hợp hài hòa giữa ngâm thơ và ca nhạc; nhạc làm nền cho thơ, thơ chắp cánh cho nhạc cùng bay bổng. Có lẽ vì mới và lạ nên hơn 1.000 khán giả đứng chật sân, tràn ra tận Ngã Sáu, mê mải theo dõi chương trình đến điệu múa cuối cùng bế mạc đêm thơ mà khán giả còn chưa chịu về.
Hai đêm thơ, hai kịch bản khác nhau và qua hai cách thể hiện khác nhau nhưng đã cho khán giả Dak Lak có cái nhìn, cách cảm nhận thân thiện hơn với thơ ngoài cả mong đợi của những người tổ chức.

Hồng Chiến

 


Ý kiến bạn đọc