Multimedia Đọc Báo in

Gỗ lũa: thú chơi nghệ thuật

07:55, 18/04/2010

Nghệ thuật gỗ lũa là kết tinh của vẻ đẹp tạo nên theo thời gian khắc nghiệt của thiên nhiên và bàn tay, khối óc con người. Nghệ nhân gỗ lũa làm nên cái đẹp từ những thứ tưởng chừng đã chìm sâu trong lòng đất.

Thú chơi gỗ lũa, tuy hấp dẫn nhưng không đơn giản, bởi gỗ lũa là phần ruột cứng nhất của cây cổ thụ chết khô bị vùi sâu dưới lòng đất, sông, suối. Đó là những loài gỗ tốt, quý hiếm như: hương, cẩm lai, gõ, cà te…, theo thời gian, dưới tác động của nắng, gió, mưa, côn trùng gặm nhấm cùng dòng chảy của nước bào mòn đã tạo nên những hình dáng kỳ lạ. Gỗ lũa có ba loại, mỗi loại lại có đặc điểm riêng: lũa tìm thấy dưới đất giữ nguyên màu gỗ nguyên thủy; lũa ngâm trong bùn có màu mun hoặc đen bóng và có những hình thù độc đáo; quý hiếm nhất là lũa phơi trước gió vì có những đường vân sóng kì lạ rất đẹp. Nghệ nhân với óc sáng tạo và bàn tay khéo léo đã biến những “hóa thạch gỗ” đó thành tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Người chơi gỗ lũa phải lặn lội khắp núi rừng, sông, suối tìm gốc và rễ cây, nhưng để tạo được một tác phẩm gỗ lũa đẹp, có hồn là rất khó. Tác phẩm gỗ lũa phụ thuộc vào hình dáng ban đầu của lũa, con mắt nhìn và trí tưởng tượng của người chơi. Dựa trên hình dáng, đường nét của lũa, người ta phải khai thác các chi tiết sao cho tác phẩm sinh động, có ý nghĩa theo chủ định của người tạo ra tác phẩm. Cho nên nó cũng phụ thuộc vào quan niệm sống và cái gu nghệ thuật của tác giả. Nghệ nhân có tài là từ hình hài có sẵn của lũa tự nhiên mà biến thành tác phẩm nghệ thuật  hoàn toàn mới, mang tính biểu tượng và biểu cảm. Mặc dù vậy, trong quá trình tạo nên tác phẩm, người ta rất hạn chế việc cắt gọt, thêm bớt chi tiết vào lũa tự nhiên. Tác phẩm giữ lại được nhiều nhất hình dáng tự nhiên của gỗ càng có giá trị. Người chơi phải đam mê, có vốn sống và trí tưởng tượng thì mới đem được những cung bậc của tình cảm con người và hơi thở cuộc sống “hòa” trong tác phẩm của mình. Điều thú vị là giá trị của gỗ lũa nghệ thuật là chính từ những cây đã chết, bị vùi lấp hàng chục năm được “tái sinh” mang vẻ đẹp khác thường vĩnh cửu với thời gian.

Nghệ nhân Lê Công Thành bên tác phẩm kỳ lân
Nghệ nhân Lê Công Thành bên tác phẩm kỳ lân

Nghệ nhân Lê Công Thành (thôn Kim Phát, xã Hòa Hiệp, huyện Cư Kuin) chơi gỗ lũa từ năm 1993, đã từ bỏ nghề cắt tóc để theo đuổi niềm đam mê của mình. Anh thường xuyên lặn lội khắp các cánh rừng, sông, suối ở Lak, Krông Bông để tìm gỗ lũa, nghe ở đâu có gốc cây đẹp anh đều tìm đến mua về. Có những khi tìm được các gốc rễ tự nhiên, anh phải suy nghĩ trăn trở mấy tháng trời mới tìm ra ý tưởng cho tác phẩm của mình. Hiện, anh Thành sở hữu hơn 100 tác phẩm gỗ lũa đầy đủ chủng loại, nguồn gốc với rất nhiều chủ đề, trong đó có thiên nhiên, con người, tình yêu và khát vọng…
Tuy từng giành được nhiều giải thưởng trong các triển lãm sinh vật cảnh và hội hoa xuân trong khắp cả nước, nhưng anh tâm đắc nhất là tác phẩm Giao cảm bằng gỗ hương mà phải 3 tháng mất ăn, mất ngủ anh mới hoàn thành. Theo anh, một tác phẩm đẹp phải có chất liệu gỗ tốt, bố cục hài hòa và ý tưởng độc đáo, điều khó nhất là phải thổi được cái hồn, cái thần vào tác phẩm để mọi người cùng đồng cảm với mình. Anh tâm sự: “Niềm đam mê gỗ lũa đã ngấm vào trong máu rồi nên không bỏ được. Cái thú này làm cho cuộc sống vui hơn, hạnh phúc hơn”.

Một tác phẩm gỗ lũa trưng bày tại Triển lãm sinh vật cảnh "Hương sắc mùa xuân"
Một tác phẩm gỗ lũa trưng bày tại Triển lãm sinh vật cảnh "Hương sắc mùa xuân"

Ở Dak Lak, hiện số người biết chơi gỗ lũa nghệ thuật chỉ đếm trên đầu ngón tay bởi sự “kì mộc” và luật chơi khắt khe của nó. Một số người muốn chơi cũng khó vì không có điều kiện đi tìm lũa trong tự nhiên hoặc số tiền để sở hữu một tác phẩm gỗ lũa là rất lớn. Bác Nguyên, một người có thâm niên chơi gỗ lũa nhiều năm đã nghỉ chơi cho biết: “Chơi gỗ lũa rất công phu, phải có niềm đam mê và sức khỏe để săn lũa”.  Những tác phẩm gỗ lũa xuất sắc, có giá trị nghệ thuật cao cũng không nhiều. Nhưng thỉnh thoảng được chiêm ngưỡng một tác phẩm đẹp, kiến người ta càng trân trọng hơn về những cái đẹp tưởng như đã vùi sâu vĩnh viễn trong lòng đất.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc