Multimedia Đọc Báo in

Âm hưởng anh hùng ca trong Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội

20:11, 29/05/2010

Đây sẽ là sự kiện văn hóa lớn với số người tham gia đông nhất, được thực hiện bởi toàn dân Việt Nam, tinh hoa Việt Nam và nhiệt huyết Việt Nam.

Đây là Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long trải qua bao biến cố thăng trầm vẫn đứng vững trước mọi thử thách và không ngừng phát triển, trở thành trung tâm lớn nhất của quốc gia, là “Thành phố vì hòa bình”, chứng tỏ sức sống mãnh liệt của biểu tượng đất nước.
Bước sang năm 2010, nhân dân cả nước náo nức đón chờ sự kiện trọng đại này bởi nó mang một ý nghĩa thiêng liêng và đầy niềm tự vào về đất nước, về Thủ đô thân yêu. Đại lễ sẽ diễn ra trong 10 ngày (từ 1đến 10-10-2010) bao gồm 30 hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc cùng một chương trình Đại lễ kỷ niệm hoành tráng, trang trọng, xứng tầm sự kiện trọng đại, thể hiện tình cảm, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn vinh các giá trị truyền thống lịch sử và cách mạng của dân tộc. Khi nói Thăng Long - Hà Nội là nói tới sự kết tinh văn hóa của cả đất nước.
Chương trình đặc biệt kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội do nhóm tác giả gồm các nghệ sĩ Trọng Khôi, Lê Chức, Doãn Hoàng Giang và nhà văn Nguyễn Khắc Phục (chủ biên) đã hoàn thiện và trình Chính phủ phê duyệt. Vào những ngày đó, người dân Thủ đô và cả nước sẽ được thưởng thức một chương trình đặc sắc nhất từ trước tới nay.
Theo dự kiến, trong 10 ngày lễ hội, sẽ có các chương trình nghệ thuật đặc sắc của cả nước chào mừng sự kiện trọng đại của Thủ đô như: Màn trình diễn của dàn nhạc giao hưởng quốc tế và quốc gia; biểu diễn  ca khúc sáng tác mới chào mừng Thăng Long- Hà Nội; các liên hoan Ẩm thực Hà Thành; trình diễn áo dài truyền thống; lễ hội đường phố và chương trình văn hóa nghệ thuật của tuổi trẻ Thủ đô; thả diều ba miền...
Các hoạt động như ra mắt Tủ sách Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, khánh thành Bảo tàng Hà Nội, khánh thành Tượng đài Bác Hồ, trao giải cuộc thi Quốc tế “Thăng Long - Hà Nội, điểm hẹn của bạn”… cũng được tổ chức trang trọng trong dịp Đại lễ.

Hồ Tây - một thắng cảnh đẹp của Hà Nội (Ảnh: T.L).
Hồ Tây - một thắng cảnh đẹp của Hà Nội (Ảnh: T.L).

Trong chương trình sẽ có 2 điểm nhấn quan trọng là Lễ khai mạc sáng 1-10 và Lễ bế mạc đêm 10-10. Sau phần thực hiện nghi lễ quốc gia của Lễ khai mạc, sẽ công diễn vở kịch “Thăng Long - Hà Nội - Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh” kể một câu chuyện lập quốc từ thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám cho đến nay, với hình ảnh Hà Nội là thành phố anh hùng, thành phố vì hòa bình.
Từ sự kiện này, Việt Nam sẽ quảng bá được hình ảnh đất nước với thế giới. NSƯT Lê Chức cho biết: "Mặt nước hồ Tây sẽ tạo ra những ảo giác đẹp. Sau khi nghiên cứu, khảo sát thực địa và làm việc với các đối tác, dự kiến sẽ làm một sân khấu nổi, một hành lang nổi nối từ chùa Trấn Quốc đến vườn hoa Lý Tự Trọng dành cho khách VIP và khu vực dành cho người dân được thiết kế nổi trên mặt nước". Tuy nhiên, công việc làm kịch bản cũng có nhiều vướng mắc phải xem xét như: sân khấu nổi trên mặt nước hồ Tây, lượng người dân tham gia, vấn đề an ninh trật tự... Kịch bản cũng tính đến sự phù hợp về mặt kinh phí và thời gian thực hiện. Thêm một điều quan trọng là an toàn cho người dân tham gia Đại lễ. Ban tổ chức đã xác định làm các chương trình nghệ thuật chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội là để người dân Việt Nam thưởng thức, tôn vinh lòng tự hào dân tộc.
Vì thế, kịch bản 10 ngày lễ ở Hà Nội được xây dựng một cách chi tiết. Sẽ có nhiều chương trình, diễn ra tại nhiều địa điểm ở khắp Thủ đô như: Quảng trường Ba Đình, Quảng trường Cách mạng tháng Tám, đường Phan Đình Phùng, Vườn hoa Lý Thái Tổ, Yên Sở, Mỹ Đình; Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Cửa ô phía Nam, Công viên Bách Thảo… Ở mỗi khu vực sẽ có biểu tượng riêng, có chương trình riêng, như tại đường Phan Đình Phùng sẽ là một cổng Parabol - khu vực đó chuyên về vui chơi, ca nhạc trẻ dành cho thanh niên. Có nơi là lễ hội ẩm thực, nơi là hội thể thao với sự tham gia đồng diễn thể dục của 1000 người cao tuổi… Cả Hà Nội, nơi nào cũng sẽ có những hoạt động văn hoá, nghệ thuật để người dân có thể theo dõi.
Bên cạnh đó, Đại lễ 1.000 năm là hoạt động lớn, được tổ chức trên cả nước. Tất cả các tỉnh, thành đều có hoạt động văn hoá, nghệ thuật chào mừng sự kiện trọng đại này.
Kim đồng hồ đang nhích rút ngắn từng ngày và ngày đó không chỉ đơn thuần là một ngày Đại lễ mà đó phải là thời điểm khẳng định thêm rằng, chúng ta cũng như mọi dân tộc khác trên thế giới, đủ khả năng, trình độ và bản lĩnh trong công cuộc dựng nước, giữ nước và có nhiều định hướng chiến lược tiến vào tương lai.

Theo Người Hà Nội

 


Ý kiến bạn đọc