Multimedia Đọc Báo in

Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Hương Vượng và hành trình sáng tạo

10:15, 31/07/2010
Là “con nhà nòi” về nhiếp ảnh, nhưng mãi đến khi ngoài 40 tuổi, tức là năm 2002, Nguyễn Hương Vượng mới đến với nhiếp ảnh nghệ thuật và chỉ một năm sau (2003) anh đã được kết nạp Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Nói Nguyễn Hương Vượng là “con nhà nòi” nhiếp ảnh, bởi anh là hậu duệ đời thứ 3 của ông Nguyễn Lan Hương (1887-1949) – một nhà nhiếp ảnh, làm phim nổi tiếng của Hà Nội cách đây gần 80 năm. Ông là người sản xuất bộ phim đầu tiên ở nước ta có tựa đề Đồng tiền kẽm tậu được ngựa (1921), tiếp đến là các phim Ninh Lăng (1926), Tấn tôn Đức Bảo Đại (1926), Đám tang tướng Đường Kế Nghiêu (1929)… Giữa thập niên 30, ông mở tiệm ảnh Hương Ký ở phố Hàng Trống, Hà Nội và là tiệm ảnh hàng đầu, nổi tiếng nhất Hà Nội thời bấy giờ. Năm 1949, cụ Nguyễn Lan Hương mất, tiệm ảnh Hương Ký được giao cho con trai là Nguyễn Đức Thuận quản lý. Năm 1955, ông Nguyễn Đức Thuận “dinh tê” vào Sài Gòn và sau đó chuyển lên sinh sống ở Buôn Ma Thuột (Dak Lak). Nguyễn Hương Vượng là con trai thứ 6 của ông Nguyễn Đức Thuận, đến với nhiếp ảnh từ nhỏ, lúc mới 14 tuổi. Vì thế, tất cả những kỹ thuật của nghề nhiếp ảnh và những bí truyền của gia đình, Nguyễn Hương Vượng đã được “rèn cặp” thành thục từ tuổi thiếu niên.
Mặt nạ.
Mặt nạ  (Ảnh: N.H.V)
Nhưng vì cuộc sống thời kỳ sau giải phóng (1975) với biết bao khốn khó, phải lo toan cho miếng cơm manh áo hằng ngày, nên suốt cả tuổi thanh niên Nguyễn Hương Vượng đã phải dành hết tâm trí, thời gian cho nghề ảnh dịch vụ. Mãi đến năm 2001, khi cuộc sống đã đỡ vất vả hơn, Nguyễn Hương Vượng mới bắt đầu “nghĩ” đến ảnh nghệ thuật. Năm 2002, được sự động viên của một số nghệ sĩ nhiếp ảnh trong tỉnh như Đào Thọ, Phạm Huỳnh, Nguyễn Hương Vượng mới bắt đầu gửi ảnh dự thi ở cấp tỉnh và được chọn triển lãm một số tác phẩm. Thành công bước đầu này là một sự khích lệ lớn, một động lực lớn đối với Nguyễn Hương Vượng để từ đó anh lao vào sáng tác một cách cuồng nhiệt, đắm say. Là người có cảm xúc dồi dào, có nhiều ý tưởng mới mẻ, chỉ trong một thời gian ngắn, Nguyễn Hương Vượng đã cho ra đời hàng loạt tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm độc đáo, gây “kinh ngạc” đối với làng nhiếp ảnh trong tỉnh, dự thi khu vực, dự giải quốc gia, quốc tế đều được chọn treo, hoặc đoạt giải cao. Nổi bật nhất là tác phẩm Đùm bọc, Ra khơi, Trẻ hóa… Chỉ riêng 2 tác phẩm Đùm bọcRa khơi trong năm 2003 đã mang về cho anh tới 7 giải thưởng trong và ngoài nước, trong đó có Huy chương Vàng của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (FIAP), Huy chương Vàng đồng hạng của Báo Asahi Nhật Bản. Nhờ vậy, cuối năm 2003 Nguyễn Hương Vượng đã hội đủ tiêu chuẩn để được kết nạp Hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam – một “bước đi thần tốc” khiến bao người trong giới nể phục. Bởi rất nhiều nghệ sĩ đã phải phấn đấu hai ba chục năm trời mới được gia nhập Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam; thậm chí có người phấn đấu cả đời vẫn không đủ tiêu chuẩn…
Vũ điệu balê
Vũ điệu balê (Ảnh: N.H.V)
Từ đó đến nay, mới chỉ 8 năm đến với nhiếp ảnh nghệ thuật, Nguyễn Hương Vượng đã giành trên 70 giải thưởng nhiếp ảnh trong và ngoài nước, trong đó có 28 huy chương vàng quốc tế (gồm 4 huy chương vàng của Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA), 6 huy chương vàng của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (FIAP), 18 huy chương vàng của Hội Nhiếp ảnh các nước và vùng lãnh thổ khác như Ma Cao, Hồng Kông, Singapo, Nhật Bản… Đến nay anh đã có trên 120 tác phẩm và trên 350 lượt tác phẩm được chọn triển lãm ở 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2008, Nguyễn Hương Vượng đã được phong tước hiệu Nghệ sĩ của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (A. FIAP) và đến thời điểm này anh đã “thừa tiêu chuẩn” để phong tước hiệu Nghệ sĩ Ưu tú (E.FIAP).
Thanh thản
Thanh thản (Ảnh: N.H.V)
Đặc điểm nổi bật trong sáng tác ảnh nghệ thuật của Nguyễn Hương Vượng là trình độ xử lý kỹ thuật cao. Anh hiểu sâu tính năng, tác dụng của máy móc, của phần mềm photoshop, để từ đó xử lý màu sắc, tông hình chuẩn xác theo đúng ý đồ sáng tạo của anh. Và vì vậy, xem ảnh của Nguyễn Hương Vượng bao giờ ta cũng thấy nước ảnh mượt mà, màu sắc tươi tắn, hoặc là trầm ấm vừa đủ, đúng với ý đồ của tác giả… Chưa thấy bức ảnh nào của anh phạm lỗi kỹ thuật khi chụp hoặc khi xử lý bằng phần mềm photoshop dẫn tới mất chi tiết, hoặc rạn vỡ.
Hạnh phúc
Hạnh phúc (Ảnh: N.H.V)
Nhờ có trình độ sử dụng phần mềm photoshop cao, nên từ nhiếp ảnh nghệ thuật truyền thống (phải đi thực tế, săn lùng, mai phục, đón đợi để chộp những khoảnh khắc đẹp trong thiên nhiên, trong đời sống sinh hoạt, lao động, chiến đấu của con người), Nguyễn Hương Vượng đã “nhảy” sang lĩnh vực ảnh sáng tạo (từ ý tưởng, dùng công cụ photoshop – trước đây dùng biện pháp ghép phim, xử lý buồng tối – để lắp ghép nhiều hình ảnh khác nhau một cách logic, hài hòa, tạo ra một “chỉnh thể ảnh mới”, có thể phi hiện thực, nhưng vẫn chứa đựng những thông điệp nhân văn, sâu sắc với con người trong cuộc sống hôm nay). Đây là phương pháp sáng tạo ảnh còn khá mới mẻ ở Việt Nam (có người gọi là ảnh thể nghiệm). Dù một số nhà lý luận phê bình nhiếp ảnh và một số nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam vẫn cho rằng: đó là sự sáng tạo vô lối, lấn sân hội họa, xa rời bản chất nhiếp ảnh (bởi quan điểm truyền thống cho rằng nhiếp ảnh là sự phản ánh cuộc sống một cách trung thực, là copy hiện thực)… nhưng trong thực tế phương pháp sáng tác này đã được thế giới chấp nhận và phát triển từ cách đây hàng chục năm, được đưa vào nhiều cuộc thi ảnh ở Áo, Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông… Số nghệ sĩ đến với phương pháp sáng tác này ngày càng đông đảo. Ở Việt Nam, một số nghệ sĩ nhiếp ảnh như Hoàng Quốc Tuấn, Đào Tiến Đạt, Lại Hiển… là những người đầu tiên của “thời đại photoshop” đến với phương pháp này và đã có những thành công nhất định. Trong đó, thành công nhất là Hoàng Quốc Tuấn, nhờ bộ ảnh sáng tạo (gồm 20 tác phẩm) có chủ đề “Sự trăn trở của môi trường”, anh đã được Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế công nhận là Nghệ sĩ nhiếp ảnh bậc thầy (M.FIAP) – là người đầu tiên ở Việt Nam được phong tước hiệu này.
Ô đỏ
Dù đỏ (Ảnh: N.H.V)
Với phương pháp sáng tác này, chỉ riêng 2 năm 2009-2010, Nguyễn Hương Vượng đã “ẵm” nhiều giải lớn ở nước ngoài: Huy chương Vàng của Hội Nhiếp ảnh Hoa Kỳ (PSA) cho tác phẩm Chiếc dù đỏ (tại cuộc thi “2009 PSA, EXHIBITION CPID CREATIVE”), Huy chương Vàng của Liên đoàn Nhiếp ảnh Nghệ thuật quốc tế (FIAP) cho tác phẩm Mặt nạ (tại cuộc thi “56th Sigapore International Salon 2009”), giải Nhất của PSA cho tác phẩm Người cá (tại cuộc thi “2010 PSA EXHIBITION CPID CREATIVE INDIVIDUAL COMPETITION 1”), Huy chương Bạc FIAP cho tác phẩm Điệu vũ ba lê (tại cuộc thi “4th CROATIAN INTERNATIOAL DIGITAL PHOTO SALON OSIJEK 2010”.
Đặng Bá Tiến

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.