Những dấu ấn bình dị quanh hồ Gươm
14:54, 10/07/2010
Cụ rùa, tháp Rùa, cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, tháp Bút là những dấu ấn lịch sử văn hóa mà mỗi khi nhắc tới hồ Gươm thì ai cũng nghĩ tới. Hồ Gươm còn nhiều cảnh vật khác, tuy bình dị hơn nhưng nhiều người sống lâu ở Hà Nội lại cho đó là một phần vẻ đẹp không thể thiếu được của thắng cảnh này.
Đó là cây đa đã gần 200 tuổi, nằm trong khuôn viên của báo Nhân Dân. Khi TS Vũ Tông Phan lập trường Hồ Đình năm 1835 thì cây đa này đã vững chắc, nghĩa là nó đã được trồng trước đó. KTS Tạ Mỹ Duật lúc còn sống đã xếp cây đa này vào loại số một Đông Dương. Một cây đa khác cũng có tuổi đời không thua kém cây đa số một Đông Dương là cây đa ở đền Ngọc Sơn. Trận bão năm 1977 đã làm bật rễ.
Ngay sau đó người ta đã dùng tời kéo thân nó đứng dậy rồi chống cột và cho đến hôm nay, cây đa vẫn sống và tỏa bóng. Nhắc đến cây xanh quanh hồ Gươm còn phải nhắc đến hai cây gạo có sự ra đời khá kỳ lạ. Đó là một cây trước vườn hoa Lý Thái Tổ và một cây trước đền Ngọc Sơn đã chết. Cây gạo có đặc điểm sinh học là vào cuối mùa xuân, lá rụng hết và trên cành khẳng khiu hoa bắt đầu nở đỏ ối khiến cho hoa càng nổi bật trên nền trời. Tuy nhiên, cây gạo không cho bóng mát, thậm chí còn gây nguy hiểm vào mùa mưa bão vì cành rất dễ gẫy
Dân gian lưu truyền, ban ngày ma quỷ thường trú ngụ ở cây này, do vậy để “dồn ma” ra khỏi làng nên ở các vùng quê, người ta hay trồng cây gạo ở đầu làng hay ngoài cánh đồng. Khi chính quyền Pháp xây dựng công sở, dinh thự ở phía Đông hồ Gươm có người mách nên trồng cây gạo để tránh ma qủy quấy nhiễu. Thế là thực dân Pháp cho trồng ngay.
Hồ Gươm mang trong mình những dấu ấn bình dị của lịch sử. (Ảnh: T.L) |
Và một nét đẹp không thể lẫn của hồ Gươm đó là mỗi mùa cây lộc vừng thay lá và ra hoa. Vẻ đẹp của nó đã đi vào nhiều tác phẩm thơ ca, nhiếp ảnh của nhiều nghệ sĩ tên tuổi. Hai cây lộc vừng già nua nghiêng mình ra hồ trong đó có một cây có tới chín gốc nằm ở khu vực đối diện Sở Điện lực Hà Nội. Không ai biết hai cây lộc vừng này đã sống ở đây mấy trăm năm. Chỉ biết để có được cái thân bồ tượng đó, lộc vừng phải trải qua cả chục đời người. Đến khoảng cuối tháng giêng, khi mà lá vàng đã rụng hết, lộc non đã biến thành những tầng lá xanh mướt, lộc vừng mới bắt đầu buông xuống nhưng “dây hoa” xanh mởn. Sau gần một tuần, những dây hoa đó mới chầm chậm, chầm chậm bung từng nụ một.
Giống như một dây đèn nhấp nháy chỉ có màu đỏ, chúng lắc lư trong nắng, điểm đỏ những tán lá xanh, “hun” nóng những thân cây xù xì già cỗi. Khi các cánh hoa đỏ rụng xuống mặt hồ, gió dồn lại một chỗ tạo ra tấm thảm bập bềnh trên mặt nước khiến hồ Gươm ngày càng thêm duyên dáng. Ở gốc cây lộc vừng chín gốc này ngày trước thường có một ông già tóc trắng như cước ngồi thổi tiêu. Và cứ đến ngày 19/12 ông mới thổi bài Hồn tử sĩ. Sở dĩ ông chỉ thổi bài này vào ngày đó vì người bạn thân cùng phố Hàng Gai của ông khi đó mới 13 tuổi làm liên lạc ở Trung đoàn Thủ đô đã hy sinh ở chính gốc cây lộc vừng trong những ngày Thủ đô quyết tử chống Pháp.
Nhiều du khách tới dạo ven hồ Gươm nhưng có lẽ ít ai để ý thấy một chiếc ghế đá to nằm bên bãi giữ xe của Nhà hát ca múa nhạc Trung ương. Đó là chiếc ghế đá duy nhất còn sót lại của một thời Hà Nội xưa. Là ghế nhưng lại có diện tích giống cái bàn đá thì đúng hơn vì chiều dài tới 2 m, ngang gần 1 m, mặt ghế dầy gần 20 cm. Chiếc ghế được tạc hình chữ H, đá xanh nguyên khối và điều khiến nó giống chiếc bàn vì không có vai tựa phía sau.
Theo một số nhà nghiên cứu về Hà Nội thì những chiếc ghế đá đặc biệt này được làm từ thời Pháp và cách đây 20 năm Hà Nội vẫn còn vài chục chiếc như vậy. Nhưng do biến động lịch sử và thời gian, đến nay chỉ còn duy nhất chiếc ghế này tồn tại. Còn nhà văn Băng Sơn thì cho rằng theo ông có lẽ đây là chiếc ghế đá lớn nhất Hà Nội tính đến thời điểm hiện tại. Bởi những chiếc ghế đá thời nay rất hẹp, rất ngắn, chỉ đủ cho hai, ba người ngồi tựa vào lưng ghế mà thôi, còn riêng chiếc ghế đá này có thể chứa được mười người ngồi dựa lưng vào nhau mà vẫn rất rộng rãi. Theo nhà văn Băng Sơn thì khoảng 20 năm về trước, ở một số công viên của Hà Nội và quanh hồ Hoàn Kiếm có khá nhiều ghế đá được làm từ thời Pháp rất đẹp.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì những chiếc ghế đá tựa như những chiếc bàn xinh xắn ấy đã không còn tồn tại. Chỉ còn chiếc ghế này sót lại, nằm phía trước tòa nhà khách sạn Phú Gia xưa. Một điều đặc biệt nữa là chiếc ghế đá nằm ngay trước Nhà hát ca múa nhạc Trung ương. Ngôi nhà này được xây từ những năm 1910 vốn là trụ sở của Hội Khai Trí Tiến Đức những năm đầu thế kỷ trước, nơi các trí thức Hà Nội sinh hoạt tập thể, giao lưu, đàm luận, diễn thuyết.
Đây cũng là trụ sở đầu tiên của Quốc Hội khóa 1 nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sau ngày tổng tuyển cử bầu Quốc Hội đầu tiên năm 1946. Sau 1954 tòa nhà được dành làm câu lạc bộ Thống Nhất - nơi sinh hoạt của các cán bộ miền Nam tập kết. Rồi trong một số bài thơ viết về Hà Nội, nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Thi cũng từng nhắc tới chiếc ghế đá này. Có lẽ đây cũng là nơi chốn quen thuộc của nhà thơ mỗi khi ngồi ngắm cảnh Hồ Gươm để sáng tác những vần thơ bất hủ.
Theo
Pháp luật & Xã hội
Ý kiến bạn đọc