Hương rừng 4 - Đôi điều cảm nhận
Sau khi phối hợp với huyện Cư M’gar tổ chức Trại sáng tác Núi Hoa lần thứ 15 (từ ngày 20 đến 25-7-2010), Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Dak Lak lại tổ chức Trại sáng tác Hương rừng lần thứ 4 tại Trường Quân sự địa phương tỉnh Dak Lak (từ ngày 27-7 đến 6-8-2010). 22 trại viên (đều là các em học sinh người dân tộc thiểu số như Êđê, M’nông, Tày, Nùng, Dao) cùng ban tổ chức, các giảng viên là văn nghệ sĩ rất phấn khởi truyền thụ niềm say mê học tập sáng tác văn thơ cho các em. Các em còn từ rừng xuống biển, được đi thăm Nha Trang, Tuy Hòa để tìm cảm hứng.
Trong số 25 em chỉ có rất ít sáng tác riêng thơ hoặc văn, mà hầu hết sáng tác cả hai.
Về thơ đã tới 20 em gửi về ban tổ chức hơn 50 bài, một số bài là thơ song ngữ Êđê – Việt, Tày – Việt của các em H’Ngoai Niê, H’Sa Ly Niê, H’Rút Niê, Trịnh Thu Hiền, đó là điều đáng trân trọng.
Thơ của các em hồn nhiên, trong sáng, có thể còn phải học hỏi nhiều về nghệ thuật, nhưng đã thể hiện tình yêu quê hương, đất nước, những người thân thuộc và mang nét bản sắc văn hóa của từng dân tộc.
H’Siêu B’yă là người Êđê nhưng lại viết về người mẹ dân tộc Sán Chỉ đi học rất cảm động qua bài Ché học chữ:
Mặt trời xoay lưng tắt đèn ngủ
Mái nhà gianh rôm rả i… a
Con đứng sau vách không xa
Sao thương quá! Khi nhìn Ché rặn từng con chữ…
Ôm gọn tấm lòng con vào đó
Tặng Ché vì những dòng chữ đầu tiên.
Ngôn Thị Huyền Trang có bài Giọt trắng kể về người mẹ công nhân làm công việc vất vả là cạo mủ cao su. Thật xúc động khi em so sánh màu trắng của nhựa cao su và tóc mẹ:
Nhựa ơi! Đừng bướng bỉnh
Nhựa hãy nghe lời mẹ
Ngày đêm mẹ trông chờ
Biết hay chăng
Nhựa màu trắng
Đã nhuốm tóc mẹ trắng màu!
Dương Thị Vinh có con mắt nhìn trẻ thơ, yêu loài vật, coi vật như bạn thân qua bài Cún và Bi:
Bé Bi yêu cún
Bé bế, vuốt ve
Cún mà thương Bi
Cún cười rạng rỡ.
Nhưng mà ngộ quá
Cún cười lạ ghê
Chẳng hề nhếch mép
Cún cười… bằng đuôi…
Còn nhiều bài của các em khác như Em đi gùi nước của Y Tuin Niê, Mèo con lười của Nông Thị Kim Oanh, Mẹ của Nguyễn Thị Hậu, Ba và những nốt nhạc của Ayun Ny H’mak, Trong tranh của bé của Đinh Thị Thùy Linh… mỗi bài một vẻ góp nên thành công về mảng thơ của trại.
Về văn xuôi, các em đều có bài gửi lại ban tổ chức. Những em viết nhiều và khá như Vũ Thùy Phương Hiếu, Đinh Thị Thùy Linh, H’Siêu Byă… Mông Thị Kim Oanh gửi hai tác phẩm văn xuôi với 17 trang viết tay, truyện ngắn Ngẫm lại dài 9 trang kể về tình bạn giữa “tôi” và Hùng. Cha Hùng đã mất vì bệnh ung thư, giờ đến lượt Hùng. Chỉ vì lần lữa nên đã không đến thăm bạn được lần cuối. Khi đến chỉ còn thắp hương cho di ảnh và chứng kiến hoàn cảnh gia đình Hùng với bao thương cảm: “ Lại lần nữa, tại căn nhà này, tôi phải chứng kiến cảnh mẹ bồng con khóc lóc thảm thiết giữa thời tiết oi bức, nóng nực, nhiệt độ lên đến 340C này, làm cho tôi thấy căng thẳng, run rẩy, không kìm nổi nước mắt. Cái vị mằn mặn của mồ hôi, nồng nồng của nước mắt đã hòa quyện vào nhau chảy vào miệng tôi thành vị đắng cay”.
Mã Thị Vân Anh có truyện Đôi mắt nó đang cười dài tới 36 trang viết tay, bố cục hợp lý, biết dẫn truyện kể về tình bạn tuổi học trò từng giành nhau chỗ ngồi, chỗ chơi, cũng tinh nghịch, bướng bỉnh, va chạm, rồi người bạn bị bệnh nan y đã giấu mọi người. Khi chết, để lại thư cho bạn: “ Mỗi người đều mang một cái mặt nạ. Nhờ cậu, tôi đã có thể xóa đi sự cô đơn của mình. Vì vậy cũng tháo nó ra đi. Đừng cố tỏ ra vui vẻ khi cảm thấy yếu đuối. Dũng cảm đối mặt với con người thật của mình sẽ giúp cậu mạnh mẽ lên rất nhiều. Vậy nên, hãy sống thật tốt”. Đoạn văn trên phần nào có tính triết lý và nhân bản.
Trại đã nhận được 108 bài thơ, văn của các em. Đó là kết quả đáng mừng ở vùng đất có nhiều dân tộc thiểu số chung sống.
Cũng xin nói thêm: Hội Văn học – Nghệ thuật Dak Lak từ khi thành lập, năm nào cũng mở trại sáng tác cho các em. Trại lấy tên là Hạ xanh. Do đặc thù của tỉnh nên từ năm 2004 Hội đã quyết định: Những năm chẵn chỉ triệu tập học sinh dân tộc thiểu số nên lấy tên là Hương rừng; năm lẻ vẫn mở trại cho học sinh giỏi Văn hoặc có năng khiếu văn thơ (cả người Kinh và dân tộc thiểu số) vẫn mang tên Hạ xanh.
Có thể thấy trại Hương rừng 4 ghi nhận thêm bước thành công của các em người dân tộc thiểu số ở Dak Lak yêu thích và làm quen dần với văn chương.
Hữu Chỉnh
Ý kiến bạn đọc