Multimedia Đọc Báo in

Nơi ươm mầm những năng khiếu văn chương người dân tộc thiểu số

09:13, 19/09/2010

4 năm nay, tại tỉnh ta đã có một trại sáng tác thơ văn dành cho các em thanh thiếu niên dân tộc thiểu số vui chơi, tập sáng tác và thể hiện năng khiếu của mình vào mỗi dịp hè. Trại được tổ chức 2 năm 1 lần (vào năm chẵn), lấy tên là Hương rừng. Từ những mùa trại này đã góp phần hình thành một phong trào sáng tác thơ văn trong thanh thiếu niên.

4 mùa trại đi qua đã hình thành nên những gương mặt, cây bút ấn tượng như: Nguyễn Thị Hậu, Đinh Thị Thùy Linh, H’Siêu Byă... Các em được tuyển chọn là học sinh dân tộc thiểu số, giỏi Văn và có năng khiếu văn chương, từ THCS đến ĐH của các huyện, thị xã trong tỉnh. Tham gia trại, các em được hướng dẫn cách sáng tác, khai thác đề tài từ vùng đất Tây Nguyên hùng vĩ, về vùng quê nơi mình đang sinh sống. Mỗi mùa trại kéo dài 11 ngày, ngoài các buổi sinh hoạt, giao lưu với các nhà thơ, nhà văn của địa phương, các em còn được đi thực tế tại một số danh lam thắng cảnh trong và ngoài tỉnh, sau đó là dành thời gian để sáng tác tại nhà. Nghệ sĩ Ưu tú Vũ Lân, Phó Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh cho biết, đặc biệt, trại sáng tác năm 2010 đã hướng các em theo lối nói vần của đồng bào dân tộc tại chỗ và sáng tác bằng tiếng mẹ đẻ của dân tộc mình. Kết thúc mùa trại năm nay, 104 tác phẩm của các em nộp về Ban tổ chức, trong đó, có nhiều tác phẩm sáng tác bằng song ngữ (tiếng mẹ đẻ và tiếng phổ thông). Trên mỗi trang viết, trước hết, các em đã sáng tác bằng chính tâm hồn ngây thơ của mình.

Những chuyến đi thực tế, những trao đổi, góp ý của bạn bè trong những lần tham dự trại... và cứ như thế, tình yêu văn học vẫn âm thầm chảy cùng với những khát khao sáng tạo của những vần thơ, cây bút “nhí” nhiều sôi nổi. Em H’Siêu Byă đến từ huyện M’Drak tâm sự, em tham gia từ trại sáng tác đầu tiên, đến nay đã 4 mùa trại nhưng cảm xúc vẫn còn y nguyên như được dự lần đầu tiên. Bao giờ cũng thế, ngày đầu nhập trại là những buổi làm quen, gặp gỡ, bỡ ngỡ và rụt rè. Rồi cùng nhau chuẩn bị chỗ ăn, ở, sinh hoạt trong suốt thời gian trại diễn ra. Những ngày sau đó, niềm vui nối tiếp khi được các nhà thơ, nhà văn hướng dẫn phương pháp, truyền đạt kinh nghiệm sáng tác, tối đến, các trại viên lại chuyền tay nhau hay đọc cho nhau nghe những tác phẩm của mình để bạn bè cùng góp ý… Trong đó, có cả những em mới tham gia lần đầu, như em Nguyễn Thị Hậu (Dân tộc Tày, lớp 10, Trường Nội trú Nơ Trang Long, huyện Ea Súp) cũng bày tỏ niềm hân hoan, em cho biết: “Một chút hồi hộp pha lẫn niềm vui mừng vì em là học sinh duy nhất đại diện cho huyện Ea Súp tham dự trại, em cảm thấy thật hãnh diện. Dù vẫn còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng đây là dịp để em được học hỏi, tập tành cách sáng tác và trải nghiệm thực tế. Còn em H’Rut Niê (dân tộc Êđê) nói, trước kia, em sáng tác văn, thơ mang tính bộc phát, khi thấy có cảm xúc là viết, nghĩ thế nào thì viết như thế ấy.  Đến khi tham gia trại mới được biết thế nào là kỹ năng sáng tác, phương pháp xây dựng hình ảnh trong tác phẩm...  Sau lần trại này, em vừa có thêm cảm hứng, lại được học cách sáng tác có bài bản hơn. Em Mã Thị Vân Anh thì bộc bạch, thỉnh thoảng em vẫn sáng tác, nhưng không bao giờ cho ai đọc. Ở trại lần này, em mới mạnh dạn đưa những tác phẩm ra để các bạn cùng đọc và thảo luận. Những góp ý chân thành của các bạn đã góp phần làm cho tác phẩm của em hay hơn nhiều.

Các trại viên cùng đọc cho nhau nghe những sáng tác của mình để bạn bè góp ý.
Các trại viên cùng đọc cho nhau nghe những sáng tác của mình để bạn bè góp ý.

Mỗi khi có cảm hứng các em đều sáng tác. Chỉ cần những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống thôi, nhưng đủ làm  rung động tâm hồn tuổi thơ: những buổi phụ mẹ lên rẫy bẻ ngô, trỉa lúa; thương ba ra đồng gặp cơn mưa chiều ướt áo hay một lần đi tình nguyện, thấy thương cảm với  ánh mắt tròn xoe chăm chú nhìn con chữ của các em nhỏ nơi vùng sâu vùng xa … Khả năng quan sát tinh tế sự vật chung quanh bằng cái nhìn trong trẻo, nhạy cảm như thế đã làm nên những tác phẩm đầu tay của các em. Thơ, truyện của các em chân chất, hồn nhiên, đôi chỗ lời văn còn ngô nghê, vụng dại. Tuy nhiên, chính lối diễn đạt nhẹ nhàng, trong sáng để lại người đọc nhiều suy ngẫm và dễ dàng sẻ chia. Bởi cái đọng lại là cái nhìn trong sáng, rất thiếu nhi, ấm áp tình nhân hậu. Trên mỗi trang viết ấy đã mở ra một thế giới tâm hồn trẻ thơ đẹp đến trong ngần. Sau mỗi mùa trại, tác phẩm của các em được Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh xuất bản thành các tuyển tập, lấy tên Hương rừng. 4 mùa trại qua đi, những sáng tác đầu tay của các em đã đem đến thật nhiều bất ngờ để những người làm công tác tổ chức có quyền hy vọng về một mùa trái ngọt. Trại sáng tác đã tạo ra một môi trường sinh hoạt có tính văn học - nghệ thuật cho tuổi thơ trên địa bàn tỉnh trong mỗi dịp hè về, đồng thời qua đó tạo một sân chơi để các em được bồi dưỡng, phát triển năng khiếu văn chương.

Mỗi mùa hè qua, Trại sáng tác ngày càng thu hút đông đảo học sinh dân tộc thiểu số và đạt chất lượng cao hơn. Nhìn những tuyển tập được dày công in ra sau mỗi mùa trại, không ai dám nói trước rằng tất cả các em sẽ đi theo nghiệp văn chương nhưng ít ra, giữa môi trường văn chương nghệ thuật, tâm hồn các em cũng được bồi đắp thêm những giá trị nhân văn cao đẹp về cuộc sống. Và đâu đó, rất có thể, bên cạnh hướng đi đã chọn của cuộc đời mình, các em sẽ là lực lượng sáng tác nghiệp dư đầy tiềm năng?!  Không dám kỳ vọng nhiều nhưng chắc chắn một điều rằng, Trại sáng tác đã góp phần khơi gợi cảm hứng để các em bộc lộ niềm yêu thương chân thật về một miền đất từ những sáng tác đầu tay.

 

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Nâng cao vai trò, tiếng nói của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Buôn Đôn
Sau 3 năm triển khai Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: 2021 - 2025 đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Buôn Đôn.