Multimedia Đọc Báo in

Gốm sứ Giang Cao - Bát Tràng – “căn cứ địa” của Con đường gốm sứ

16:06, 12/10/2010
Cùng với những đoạn tranh gốm: Chu Đậu, Phù Lãng, Bàu Trúc, Vĩnh Long... gốm Giang  Cao là đại diện xuất sắc của gốm sứ truyền thống Việt Nam được vinh danh trên Con đường gốm sứ. Thế nhưng, ít ai biết đến các sản phẩm của làng gốm sứ Giang Cao - Bát Tràng đã góp phần làm nên thành công của Con đường gốm sứ ngay từ những ngày đầu triển khai ý tưởng của họa sĩ, nhà báo Nguyễn Thu Thủy.

Sau khi viết xong Dự án "Con đường gốm sứ ven sông Hồng” - quà tặng Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi, họa sĩ, nhà báo Nguyễn Thu Thủy đã âm thầm triển khai những thử nghiệm đầu tiên. Còn nhớ, sau khi tham dự Triển lãm các giải thưởng kiến trúc thủ đô năm 2007, với tư cách là khách mời, Dự án Con đường gốm sứ đã được các nhà chuyên môn cũng như đông đảo người dân quan tâm. Tác giả ý tưởng "Con đường gốm sứ" đã mạnh dạn xúc tiến việc mời các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế tham gia tại trại sáng tác ở làng nghề gốm. Với yêu cầu một làng nghề gốm truyền thống đã có nhiều thành tựu và nằm không cách quá xa Hà Nội, làng gốm sứ Giang Cao - Bát Tràng đã trở thành sự lựa chọn lý tưởng. Mặc dù, lịch sử làng nghề gốm Giang Cao - Bát Tràng so với gốm Phù Lãng thì Giang Cao vẫn còn quá trẻ, nhưng người ta có thể nhìn thấy rõ nội lực, sức bật của làng nghề truyền thống này.
Bức tranh gốm Giang cao có tên "đôi chuồn chuồn"
Bức tranh gốm Giang cao có tên "đôi chuồn chuồn"
Khi ý tưởng mở trại sáng tác và mời các nghệ sĩ trong, ngoài nước tham gia ở làng gốm xã Bát Tràng, doanh nghiệp gốm Quang Minh cùng xưởng sản xuất của mình đã trở thành trại sáng tác của các nghệ sĩ. Sau 4 tháng miệt mài làm việc, những bức tranh gốm đầu tiên đã được trưng bày trong Triển lãm "Con đường gốm sứ ven sông Hồng - những bức tranh gốm đầu tiên" tại Bảo tàng Dân tộc học. Từ triển lãm này, UBND thành phố đã chính thức quyết định thực hiện Dự án Con đường gốm sứ;  làng gốm sứ Giang Cao - Bát Tràng được chọn làm "căn cứ địa" để các nghệ sĩ thỏa sức sáng tác, sản xuất ra những sản phẩm gốm nguyên liệu để thêu dệt nên những bức tranh gốm vừa hiện đại, nhưng vẫn mang hồn gốm như hiện nay.
Người làm gốm
Bức tranh Người làm gốm
Vượt qua những khó khăn ban đầu về nguồn vốn xã hội hóa của công trình, rào cản về ngôn ngữ và cả những dư luận chưa đánh giá đúng về Dự án, các họa sĩ, những người thợ gốm của gốm sứ Giang Cao đã không chỉ sáng tạo mà còn cải tiến phương thức sản xuất gốm truyền thống phù hợp với yêu cầu công việc nhưng vẫn luôn làm mới sản phẩm gốm của làng. Từ những trải nghiệm thực tế và những kinh nghiệm về gốm, những người trực tiếp thực hiện Con đường gốm sứ nhận thấy, việc làm gốm với những khuôn hình to khiến gốm dễ bị cong, vênh, khó vận chuyển... Làm thế nào để khắc phục được những nhược điểm đó? Đây là câu hỏi khiến tác giả ý tưởng này cũng như những người thợ lành nghề gốm suy nghĩ và trăn trở rất nhiều. Sau những chuyến đi công tác nước ngoài và qua những thử nghiệm với gốm truyền thống, giải pháp sản xuất gốm tráng thủy tinh được nung ở nhiệt độ 1200 độ C được chọn là giải pháp tối ưu. Với lợi thế chịu mài mòn, độ cứng cao, chịu nén tốt, chịu nước, chịu axít, kiềm muối, bền màu không bám bụi, bám rêu, cơ chế tự làm sạch của gốm và đặc biệt, gốm tráng thủy tinh có gam màu rộng thỏa mãn mọi yêu cầu tạo hình của các nghệ sĩ khi thực hiện gắn gốm thành tranh. Vận dụng tối đa kỹ thuật truyền thống của cha ông, cùng những sáng tạo, đúc rút kinh nghiệm trong quá trình thử nghiệm, mỗi lần tạo hình, pha màu men, nung ra được một sản phẩm phù điêu được coi là những thành công mới của người thợ trên chất liệu gốm cổ truyền. Cứ thế, gần 5 năm tính từ ngày khởi động Dự án, dấu ấn của gốm cổ truyền Giang Cao - Bát Tràng cứ lặng lẽ tỏa sáng trên Con đường gốm sứ. Họa sĩ - Nhà báo Nguyễn Thu Thủy đã tâm sự rằng: "Chúng tôi đánh giá cao công sức đóng góp của Làng nghề Giang Cao đối với công trình Con đường gốm sứ ven sông Hồng. Ngay từ khi Dự án khởi động những bước đi đầu tiên, chúng tôi đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các nghệ nhân làng nghề truyền thống gốm sứ Giang Cao - Bát Tràng". Sau rất nhiều nỗ lực, sáng ngày 1-10-2010, ngày đầu tiên mở đầu cho hàng loạt các sự kiện văn hóa, nghệ thuật chào mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đoạn tranh dài 35m thể hiện các hoạt động lao động sáng tạo của Làng nghề truyền thống gốm sứ Giang Cao - Bát Tràng, do Công ty Cổ phần Gốm sứ Quang Minh tài trợ đã được khánh thành. Được bố trí trong tổng thể hài hoà thuộc trường đoạn Gốm sứ truyền thống Việt Nam, gốm sứ Giang Cao, Bát Tràng đã góp thêm sắc màu cho bức tranh phác hoạ các vùng nghề gốm sứ tiêu biểu như Phù Lãng, Chu Đậu, Bàu Trúc và Vĩnh Long.
công sức người làm gốm
Bức tranh thể hiện công sức người làm gốm

 

 

Bức tranh gốm tạo nên Con đường Gốm sứ có 21 trường đoạn chạy dài từ cửa khẩu An Dương đến cửa khẩu Vạn Kiếp theo các chủ đề: Tôn vinh di sản nghệ thuật của cha ông thông qua ngôn ngữ của các hoạ tiết hoa văn theo dòng chảy lịch sử từ Đông Sơn qua Lý, Trần, Lê, Nguyễn; tái hiện các hoa văn đặc trưng và tiêu biểu trên thổ cẩm; tranh gốm của các em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế với chủ đề Hà Nội - Thành phố vì hoà bình; tranh đương đại của các nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế...
Con đường gốm sứ đã thu hút 20 họa sĩ trong nước, 15 họa sĩ quốc tế đến từ 10 nước trên thế giới, 500 em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế, 50 sinh viên mỹ thuật, hơn 100 nghệ nhân và thợ thủ công từ nhiều địa danh và làng gốm truyền thống...
Ngày 5-10-2010, đại diện Kỷ lục Guinness Thế giới có mặt tại buổi lễ khánh thành Con đường gốm sứ và trao bằng chứng nhận Bức tranh gắn gốm lớn nhất thế giới (dài gần 3.950m, diện tích khoảng 7.000m2).
Nam Hà

Ý kiến bạn đọc