Lửa cao nguyên vẫn cháy
Tháng 5-2010. Moan trở về Buôn Ma Thuột sau ca mổ. Nhìn Moan cười, đùa giỡn rất vô tư với mọi người, trái tim tôi thắt lại. Cánh cửa quay về ký ức như vừa được mở toang, để dòng chảy ào ạt dâng tràn như con nước Sêrêpôk mùa lũ.
1977. Tôi vừa xong năm thứ nhất đại học thanh nhạc, về Buôn Ma Thuột nghỉ hè cùng gia đình. Nhạc sĩ Ama Nô, lúc đó đang là Trưởng Đoàn văn công Dak Lak, mời tôi đến mở một lớp hát cơ bản cho những diễn viên trẻ vừa mới tuyển. Số chính thức được học chỉ có ba đơn ca chính: Mạnh Trí, Quỳnh Như và Thi Mỹ Lệ.
Trước đó mấy hôm xem chương trình biểu diễn phục vụ của đoàn, tôi có chú ý tới một anh chàng dáng người nhỏ thó, gầy gò, tóc xoăn tít, hình như để cho diễn viên kịp thay trang phục giữa hai tiết mục, anh ta được hát đơn ca một bài “ Anh chị em ơi” của nhạc sĩ Kpă Púi, còn nhiệm vụ chính là “chạy cờ” cho các tiết mục múa (nghĩa là rất phụ trong chương trình biểu diễn). Tuy nhiên giọng anh ta rất lạ, cao chót vót. Tôi nói với nhạc sĩ Ama Nô “ Vì ca sĩ Quỳnh Như nghỉ ốm suốt, nên cho anh ta học thế nhé ”. Ngày đầu tiên đến lớp Buôn Ma Thuột mưa trắng trời, anh ta xuất hiện đúng kiểu một chàng trai từ buôn ra phố: quần ống thấp ống cao, một bên dép cao su không hiểu vì lý do gì, nằm ngang bụng chân, chiếc kia lại nằm trên tay. Khi luyện thanh, tôi đánh nốt đô thấp, anh ta hát nốt đô cao, phải mất một lúc mới điều chỉnh lại được. Đó là “chân dung” của Y Moan Ê Nuôl buổi đầu đến với ca hát.
1980. Tôi nhận quyết định về làm Phó Đoàn văn công tỉnh, phụ trách chỉ đạo nghệ thuật. Y Moan, sau lớp học của tôi ngày nào, đã chính thức là diễn viên đơn ca của đoàn. Nghịch ngợm, hát rất bản năng, Moan quấy đảo sân khấu một cách hết sức vô tư nhưng hoang dã, đam mê đến tột cùng.
1985. Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, Chưa có gì nổi bật, Moan hỉ hả bảo tôi: “Mạnh Hà cũng Huy chương Bạc như em thôi ”
1986. Ca khúc có xuất xứ từ điệu hát k’ứt mênh mang trong dân ca Êđê “Ơi M’Drak” của Nguyễn Cường với giọng hát Y Moan được giới âm nhạc đánh giá là “Bài hát hay nhất mùa biểu diễn của năm”.
1990. Liên hoan Ca nhạc nhẹ tại Nha Trang, Y Moan và Siu Black bật lên thành hai ngôi sao sáng lấp lánh. Và cứ thế Moan “bay, bay trên vòm trời…” khiến mọi người phải “lặng nghe, lắng nghe…”. Thế thôi!
Giọng ca đại ngàn đầy chất lửa của Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan vẫn còn mãi trong lòng người hâm mộ. (Ảnh: G.T) |
Trong ký ức thẳm sâu, có nhiều, rất nhiều những kỷ niệm nho nhỏ giữa tôi và Moan, Moan luôn như một đứa em nhỏ, một thứ trái cây rừng ương ương, chưa chín. Tôi chưa hề nghĩ “nó” sẽ quay về, day dứt đến vừa phải tủm tỉm cười, vừa đớn đau đến thế.
Những năm đầu tiên về đoàn, tôi đến khổ với mái tóc dài của các diễn viên nam bởi liên tục bị hết lãnh đạo này đến lãnh đạo khác gọi điện nhắc nhở “sao cô lại để thế?”. Cuối cùng, tôi đành liều mạng mở một tiệm cắt tóc dưới gốc cây phượng, người đầu tiên chịu hy sinh mái tóc cho chiếc kéo trong tay tôi lại chính là Moan “vì em thương chị quá”.
Những năm ấy, nghệ thuật chuyên nghiệp luôn đứng trước nguy cơ giải thể bởi bí bách về phương hướng xây dựng chương trình cũng như phương thức quản lý (thậm chí may đồng phục đi hội diễn ở TP. Hồ Chí Minh mà phải “lén” cho phép may dây kéo chứ không phải cài nút). Ngoài biểu diễn phục vụ chính trị, ca sĩ, diễn viên được bữa cơm chiều và bữa ăn khuya đã mừng lắm rồi, còn diễn bán vé nào có ai xem? Có lần bị đình chỉ biểu diễn, được vài tháng, nhớ sân khấu quá, Moan đến xin lỗi và “nhờ chị nói với bác hộ em”. Nhân có đoàn khách quan trọng của Trung ương, tôi xin ba (Y Ngông Niê K’đăm - lúc đó đang làm Chủ tịch tỉnh) để cho Moan được diễn, vì “mấy người khác ốm hết rồi”. Coi như kỷ luật được xóa.
1984. Đi Bungari cùng với tôi và H’Giang, lên xe của Trung ương Đoàn bạn đón tại sân bay, Moan ôm ghi ta tửng tưng một tràng lấy oai. Nhận được một câu nhận xét “tưởng có gì khác, chứ thứ này nghe mãi rồi”, anh chàng chuyển sang điệu k’ứt Êđê, cô bạn phiên dịch tươi tỉnh ngay “Thế chứ! Tuyệt quá”! Tôi đồ rằng ngộ ra từ đó, nên mãi cho đến tận bây giờ Moan luôn giữ “tủ” là những bài hát Tây Nguyên, cho dù diễn ở bất cứ đâu (không như một số ca sĩ khác, chọn ca khúc thời trang thay cho những bài ca về Tây Nguyên). Không phải không có những lời chào mời từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, những viễn cảnh kiếm ra tiền… nhưng Moan đi rồi lại quay về. Mà cũng không thể làm khác được bởi dòng máu Êđê chảy trong huyết quản vô cùng mạnh mẽ, khiến tâm hồn Moan không xa nổi được cao nguyên, làm câu hát của Moan lúc nào cũng cháy bỏng. Phong cách ấy biến thành một thứ ám ảnh mọi giọng ca Tây Nguyên trong suốt một thời gian dài.
Như mọi nghệ sĩ, Moan đa tình lắm, quyến rũ được rất nhiều bạn gái. Từ các nữ công nhân lao động ở Bun, Nga, đến những em gái trong các buôn, bon, kon, plei khắp Tây Nguyên có học hoặc không có học. Cứ như là Moan có “ngải” vậy, thậm chí (nói trộm vong linh) cả nữ sĩ T.P cũng không thoát khỏi tấm lưới tình cảm của Moan. Nhưng Y Moan yêu vợ, thương con thì cũng nhất hạng. Y Ga Ri là đứa con ra đời trong lúc Moan đang lưu diễn Bungari, còn cô bé Đresđen là lúc Moan tham gia cuộc thi hát ở Đức. Nhưng đó là Moan rock của một thời, chứ bây giờ thì giọng hát Moan đằm lắm, thăm thẳm lắm. Chất lửa thì còn đó, nhưng chỉ làm cháy tâm can mọi người về những ký ức xa xôi, còn cái rừng rực thì đã chuyền hết cho giọng ca của hai đứa con trai rồi. Chỉ e rằng tình yêu Tây Nguyên trong Moan không chuyền hết được sang cho hai cậu trai quý, dẫu cả hai đều đã tốt nghiệp đại học và cao đẳng âm nhạc đi nữa
“ Vượt qua số phận cớ sao không?
Vượt qua chính mình cớ sao không?
Ngẩng đầu lên
Và ta lại thấy mặt trời rạo rực trên cao nguyên ”
Đêm 6-8-2010, Siu Black đã hát với cả trái tim và tâm hồn mình mấy câu hát dường như dành riêng cho chính tâm trạng Y Moan lúc ấy, với đôi dòng nước mắt ròng ròng trên má. Còn tôi, tôi đã khóc từ trước đó, lúc em cùng Mỹ Linh cất lên câu ca “Nguyên sơ câu hát arei, tươi duyên câu hát arei. Em hát arei nắng rung hạt vàng cánh chim gọi đàn xôn xao đại ngàn” mà chính em đã hát phụ họa cho tôi trong hội diễn tại TP. Hồ Chí Minh 25 năm về trước. Câu hát arei Êđê là ngọn nguồn của lửa.
Y Moan đã làm cả nhà hát Âu Cơ Hà Nội sôi lên trong sự ngưỡng mộ và lòng thương cảm, bởi “Một trăm năm trước và một trăm năm sau cũng không có ai hát được như Y Moan” (lời Nguyễn Cường). Cơn gió mãnh liệt của đại ngàn thổi cho ngọn lửa bừng bừng của trái tim Tây Nguyên yêu cuộc sống, yêu ca hát không chỉ thiêu đốt cả Y Moan, mà còn cả khán giả. Moan rút hết tâm hồn và ruột gan ra mà hát, những lời hát như nói cùng mọi người nỗi lòng người ca sĩ Êđê “Ai yêu rừng xanh thì lên núi nghe đàn. Một mái tranh nghèo, một nhà sàn đơn sơ”…Chỉ để rồi ta yêu nhau “Anh muốn sống bên em trọn đời, như núi Chư Prông đứng bên mặt trời, để ngày ngày mặt trời say mê gọi núi”… Cả Tây Nguyên với nắng với gió hiện về trong tiếng hát em, bao la, mênh mang đủ những sướng vui, khổ đau và tình yêu cuồng nhiệt.
35 năm qua, Y Moan đã hát khát khao và mê say như thế, để cho buôn làng, cho Tây Nguyên kiêu hãnh hiện lên trước mắt mọi người với tất cả vẻ đẹp thẳm sâu của tầng văn hóa đã được vinh danh “Di sản phi vật thể của nhân loại”. Ngọn lửa thiêng ngàn đời ấy của mảnh đất cao nguyên, của dòng máu Êđê đã và đang thiêu cháy huyết quản em trong ánh đèn sân khấu, lửa sẽ còn cháy mãi, cho dẫu …….
Moan ơi !
Ý kiến bạn đọc